Theo báo cáo của trang NerdWallet dựa trên dữ liệu của Fed và Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, mức nợ tín dụng trung bình của các hộ dân Mỹ là 16.061 USD tức là ngang bằng với thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Tổng các khoản nợ bao gồm cả vay vốn thế chấp tăng vọt từ 88.063 USD năm 2002 lên 132.529 USD.
Trong vòng 13 năm trở lại đây, thu nhập của người Mỹ tăng 28% trong khi chi phí sinh hoạt lại tăng 30%, trong đó chi phí chăm sóc sức khỏe tăng mạnh nhất với 57% kể từ năm 2003 tiếp đó là giá thực phẩm tăng 36% và nhà ở là 32%.
Để lấp đầy mức chênh lệch giữa thu nhập và chi phí sinh hoạt đó, nhiều người dân Mỹ đã chọn giải pháp vay tín dụng- một trong những khoản vay đắt đỏ nhất với mức lãi suất trung bình khoảng 18,76%. Số tiền lãi tín dụng trung bình họ phải trả mỗi năm là 1.292 USD.
Mặc dù nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, mức lương tăng vẫn rất chậm chạp. Ông Sean McQuay, chuyên gia đến từ Hiệp hội tín dụng Nerdwallet nhận định "Người Mỹ đang ngày một nghèo đi".
Tuy nhiên, nhìn về hướng tích cực hơn thì nhiều khoản chi phí quan trọng đã được giảm. Điển hình là giáo dục, sau nhiều năm liên tục tăng học phí, cho đến nay lĩnh vực này đã dừng ở mức tăng 26% kể từ năm 2003. Trong khi các khoản nợ vay vốn sinh viên tăng tới 186% trong vòng một thập kỷ qua thì con số này đang có dấu hiệu chững lại trong một vài năm trở lại đây. Cụ thể, từ tháng Chín năm 2015 đến tháng Chín năm 2016, nợ sinh viên chỉ tăng 6%, mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Thế nhưng, những tín hiệu tích cực đó vẫn chưa đủ để cứu vãn tình hình hiện tại của người dân Mỹ. Các chuyên gia dự báo tính đến cuối năm 2016, tổng khoản nợ của các hộ gia đình sẽ vượt mức kỷ lục năm 2007- thời điểm bắt đầu cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới. Nếu như năm 2007 khoản nợ của người Mỹ chủ yếu đến từ vay vốn tín dụng (lên tới 12,37 tỷ USD) thì đến nay các khoản vay thế chấp và nợ sinh viên lại chiếm phần đa.
Ông McQuay cho rằng đây là lựa chọn thông minh bởi các hình thức vay vốn này thường có mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với vay tín dụng, thường chỉ dao động trong khoảng từ 10% đến 12%. Nhưng dù gì đi chăng nữa, đây vẫn là một trong những giai đoạn khó khăn nhất đối với Mỹ, đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp từ phía Chính phủ nhằm "kéo" người dân khỏi "vũng lầy" nợ nần.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]