Ngày 22/2, giá Bitcoin từ 58.000 USD xuống còn 52.700 USD, giảm hơn 7% trong một ngày. Ngày 23/2, tiền ảo này lao xuống còn hơn 45.000 USD rồi tiếp tục biến động mạnh khiến người chơi khắp thế giới bối rối. Đến chiều 25/2, giá Bitcoin giao dịch quanh mức 50.000 USD.
Trên Weibo, từ khoá "Bitcoin tắm máu" liên tục nằm trong top thịnh hành. Mỗi bài viết đều thu hút hàng trăm triệu lượt đọc và hàng chục nghìn bình luận. Sina dẫn thống kê từ Bitcoin Homeland cho biết, trong "phiên giảm giá hoảng loạn", đã có 53.000 người chốt lệnh thanh lý với giá trị gần 5 tỷ USD. Trong đó, lệnh thanh lý lớn nhất được thực hiện trên sàn giao dịch Huobi-BTC trị giá 20,66 triệu USD.
"Tôi mới đầu tư Bitcoin từ cuối năm ngoái. Cả đêm qua tôi phải gọi cho hàng chục người để xin lời khuyên nên bán hay giữ lại. Không ai trong số đó đưa ra được lời khuyên hữu ích. Cuối cùng tôi đánh liều, bán một nửa khi giá 48.000 USD, số còn lại vẫn chưa biết nên xử lý thế nào", Wang Cheng, một nhà đầu tư F1 ở Trung Quốc chia sẻ. Những người chơi Bitcoin ví 48 giờ vừa qua như ngồi trên tàu lượn siêu tốc, hoảng loạn, lo lắng nhưng không ai biết khi nào là chặng cuối.
Trên Twitter, người dùng Alex Baldwin viết: "Tôi đã trải qua nhiều đợt tăng giảm thất thường của Bitcoin, nhưng lần này mọi thứ thay đổi quá nhanh, đột ngột tăng rồi giảm. Giá tiền ảo ngày càng khó dự đoán, một câu bình luận của những người có ảnh hưởng như Elon Musk cũng có thể tác động đến thị trường. Tôi quyết định không giao dịch trong giai đoạn 'điên rồ' này nhưng có lẽ, khi thị được giá, tôi sẽ bán hết".
Xuân Lộc, thợ đào Bitcoin lâu năm tại Việt Nam cho biết những người hoảng loạn trong lần "lao dốc" vừa rồi thường là nhà đầu tư mới. "Ai đã trải qua 'khủng hoảng tiền ảo' vào cuối năm 2017, khi Bitcoin rơi từ 20.000 USD xuống 4.000 USD đều biết rằng những biến động này là phải có mỗi khi tiền ảo đạt đỉnh. Những người đủ 'liều' sẽ ở lại, những người mới chơi sẽ hoang mang, lo sợ. Đấy là cảm giác ai cũng phải trải qua nếu quyết định chơi tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin", Lộc nói.
Yahoo Finance dẫn lời Meltem Demirors - Giám đốc Chiến lược mảng Quản lý tài sản số tại CoinShares: "Tâm lý hào hứng đã biến thành nhu cầu, và nhu cầu đó xoay chuyển thị trường". Ông Demirors cho rằng tâm lý này thể hiện rõ ràng trong các lần tăng giảm của tiền ảo. Bitcoin càng tăng cao, các giao dịch dựa trên tâm lý FOMO (lo sợ bị bỏ lại phía sau) càng bùng nổ. Sự rủi ro sẽ ngày càng lớn. "Khi thị trường quá nóng, chúng ta sẽ chứng kiến đòn bẩy tăng mạnh và chi phí vốn trở nên đắt đỏ. Bất kỳ lúc nào đòn bẩy đó bị đưa khỏi thị trường, dòng vốn rút ra sẽ mạnh lên, tạo ra sự sợ hãi", Demirors giải thích.
Những biến động về giá của Bitcoin một mặt tạo nên tâm lý hoảng loạn nhưng cũng khiến một nhóm người "phất lên" nhờ bất chấp rủi ro, đi ngược thị trường. Số liệu nghiên cứu của BitInfoCharts cho thấy hiện có khoảng 93.862 tài khoản chứa lượng Bitcoin trị giá ít nhất 1 triệu USD. Ba tháng trước, chỉ 25.000 tài khoản Bitcoin đạt quy mô 1 triệu USD trở lên. Có nghĩa chỉ trong thời gian ngắn biến động giá, Bitcoin đã có thể tạo ra hàng trăm nghìn triệu phú USD.
Những người ủng hộ Bitcoin cho rằng, đồng tiền này sẽ là công cụ chống rủi ro lạm phát, ngày càng được nhiều nhà đầu tư chú ý. Nhưng cũng không ít tỷ phú, cơ quan quản lý thị trường cảnh báo về "bong bóng" tiền ảo. Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng Bitcoin là một "cách thực hiện giao dịch cực kỳ kém hiệu quả". Trong khi đó, đồng sáng lập Microsoft - tỷ phú Bill Gates bày tỏ lo ngại về việc nhiều người đang sa đà "một cách điên cuồng" vào Bitcoin, nhất là những ai đang không dư dả về tài chính. "Đừng đầu tư Bitcoin, trừ khi nhiều tiền hơn Elon Musk", Bill Gates nói với Bloomberg.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]