Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, toàn hệ thống tổ chức tín dụng mua 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước, tương ứng khoảng 90% “miếng bánh” tăng trưởng tín dụng của 6 tháng đầu năm.
Thay vì tìm kiếm lợi nhuận ở khu vực kinh tế tư nhân, các ngân hàng đang sống nhờ vào việc trở thành chủ nợ của Chính phủ.
Chưa bao giờ thị trường trái phiếu Chính phủ lại trở thành điểm sáng trên thị trường tài chính suốt mấy năm qua, đặc biệt từ đầu 2014 đến nay. Đáng lưu ý, nơi làm nên điểm sáng đó lại từ hệ thống ngân hàng thay vì phân bổ cho mọi nhu cầu đầu tư ở nhiều khu vực khác nhau.
Ký sinh trên ngân sách
Cập nhật từ bản tin thị trường của nhóm nghiên cứu BIDV cho thấy, 6 tháng đầu năm, ở thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kỳ hạn 3 năm vẫn duy trì vị trí thống trị, chiếm 37% tổng lượng phát hành; 2 năm: 27%; 5 năm: 27%, 9% còn lại cho các kỳ hạn khác.
Cùng đó, Kho bạc Nhà nước cũng huy động thêm 22 nghìn tỷ đồng tín phiếu kho bạc, đưa tổng lượng phát hành lên 138 nghìn tỷ đồng, tương đương 66% kế hoạch cả năm.
Và, mặc dù lãi suất giảm mạnh so với năm ngoái từ 1,1% - 1,2% đối với các kỳ hạn 2 - 5 năm, cụ thể: 2 năm là 5,64%/năm; 3 năm là 6,1%/năm; 5 năm là 7,15%/năm; 10 năm là 8,7%/năm; 15 năm là 8,88%/năm nhưng các ngân hàng vẫn nhao vào mua.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, các ngân hàng dành từ 87% - 90% dòng tiền của mình để đầu tư cho trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc.
Từ con số trên, có thể thấy lợi tức mà hệ thống ngân hàng kiếm được phần lớn từ các công cụ nợ của Chính phủ và câu chuyện này chưa thể khép lại tại đây.
Phân tích xu hướng trong 6 tháng cuối năm, nhóm phân tích của BIDV cũng cho rằng, kể cả lãi suất giảm thêm thì về cơ bản, xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu vẫn còn tiếp tục vì những lý do sau.
Một là, tín dụng tiếp tục tắc nghẽn, tốc độ tăng trưởng rất chậm và yếu. Điều này cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định từ trước: “Thông thường, nửa cuối năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng gấp đôi so với nửa đầu năm, tương ứng khoảng 7%, cộng dồn cả năm có thể tới 10%”.
Cùng với đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào, lãi suất huy động rất thấp và ổn định.
Hai là, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và ổn định nên có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ thấp lãi suất điều hành thêm 1% trong thời gian tới.
Ba là, lượng trái phiếu Chính phủ được đáo hạn trong 6 tháng đầu năm lên tới 52 nghìn tỷ đồng, góp phần bổ sung thêm một nguồn vốn lớn cho các ngân hàng.
Do các yếu tố nói trên, trong thời gian tới, không chỉ có ông lớn mà các ngân hàng quy mô trung bình cũng có thể mở rộng danh mục đầu tư đối với các công cụ nợ của Chính phủ.
Bằng chứng là trong tuần đầu tháng 7 (từ 7/11 – 11/7), ở phiên đấu thầu sơ cấp, Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 5.950 tỷ đồng so với 6 nghìn tỷ đồng gọi thầu.
Hết nạc, vạc đến xương!
Một thách thức lớn trong nửa năm còn lại trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước chính là cải thiện tăng trưởng tín dụng, góp phần cải thiện khu vực đầu tư tư nhân bị chèn ép trong nhiều năm qua.
Giới phân tích thị trường nhận định, trong thời gian tới, xu hướng dư thừa vốn tiếp tục ngự trị do được hỗ trợ bởi hàng loạt yếu tố: thanh khoản hệ thống tốt; dự báo tăng trưởng huy động vẫn lớn hơn tăng trưởng tín dụng; nguồn đáo hạn trái phiếu Chính phủ nhả ra khoảng 53 nghìn tỷ đồng; kế hoạch phát hành của Kho bạc chỉ còn trên 70 nghìn tỷ đồng, tương ứng 35% kế hoạch cả năm.
Cùng đó, khả năng mở rộng chi ngân sách tăng ngoài dự kiến không nhiều do thu ngân sách đang chuyển biến tốt nên giảm áp lực phát hành thêm cho Bộ Tài chính, mặt khác, bộ này cũng khá linh hoạt trong sử dụng nguồn cho các nhu cầu chi như vay vốn từ Bảo hiểm Xã hội, phát hành trái phiếu Chính phủ riêng lẻ cho Bảo hiểm Xã hội.
Một thực tế trong nửa đầu năm, trong khi trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc được mùa thì trái phiếu doanh nghiệp cũng cố gắng bon chen và tạo được sự chú ý nhưng chỉ đóng vai trò như một thứ gia vị trên thị trường tài chính.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công đạt trên 14 nghìn tỷ đồng; cơ cấu được chuyển dịch theo hướng bền vững hơn: trái phiếu doanh nghiệp bất động sản từ mức 73% trong năm 2013 tụt xuống 11% trong khi doanh nghiệp khai khoáng vọt lên 68%, tiếp đến là doanh nghiệp nông nghiệp 11%.
Đến thời điểm này, khá nhiều doanh nghiệp khối cổ phần đã hoàn tất các thủ tục nội bộ và sẵn sàng các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cộng với trạng thái dư thanh khoản, lạm phát thấp như nói trên, chắc chắn các ngân hàng sẽ để mắt đến loại hàng hóa này như là tình thế “hết nạc, vạc đến xương”.
Nhưng đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phải nhìn lại mình, nhất là vấn đề minh bạch thông tin. Nhiều năm nay, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường âm thầm đàm phán với ngân hàng, mọi thông tin các đợt phát hành giữa A và B kín như bưng.
Lý do ở đây là bên mua và bán không muốn công bố, sợ doanh nghiệp phát hành sau dìm giá xuống, ngân hàng mua bị thiệt. Song song, còn có hiện tượng là ngân hàng A mua trái phiếu cho doanh nghiệp B nhưng phía sau đó lại ẩn giấu của quan hệ lợi ích nhóm hoặc sở hữu chéo.
Thế nên, có những cú phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng được ngân hàng mua lại, nhất là trong ngành khai khoáng mà thị trường vẫn không hay biết gì!
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]