Theo khảo sát thị trường công bố bởi JobStreet.com (mạng quảng cáo việc làm khu vực Đông Nam Á), năm nay có 16,7% lao động không được thưởng Tết. Mức thưởng dưới 1 tháng và 1-2 tháng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 35,6% và 31,5% trong số các lao động được khảo sát.
Dựa trên thống kê đầu năm 2015 của mạng quảng cáo này, mức thưởng này phần lớn chỉ tăng khoảng 3-6% so với năm vừa qua (77,6% lao động được khảo sát). Đặc biệt, trên 74% số lao động được khảo sát cho rằng mức thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn hoặc bằng so với năm 2015.
66% lao động muốn nhảy việc sau Tết. Ảnh: Anh Tuấn.
Khảo sát này cũng chỉ rõ chênh lệch về mức thưởng phụ thuộc lớn về cấp bậc của người lao động. Cụ thể, 72% lao động ở cấp bậc quản lý cho rằng họ nhận được mức thưởng “khủng” từ 1 đến trên 4 tháng lương, tương đương 33 đến 135 triệu đồng. Trong khi đó 58,26% lao động ở cấp bậc nhân viên chỉ nhận được mức thưởng dưới 1 tháng lương.
Theo đó, người lao động tại lĩnh vực khai thác khoáng sản, xăng, dầu và khí đốt nhận được mức thưởng cao nhất, có đến 14% nhận được hơn 4 tháng lương thưởng.
Tương tự những dự báo đưa ra hồi tháng 12, khảo sát chỉ ra rằng hơn 66% lao động sẵn sàng chuyển việc để có một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thay vì tiếp tục làm việc cho công ty hiện tại trong 12 tháng tiếp theo. Trong đó, 49% quyết định tìm việc ngay trong Tết.
Theo bà Angie SW Phang, Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam, mức lương của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Lý do là trình độ và năng suất lao động Việt Nam thấp hơn.
Dù tỷ lệ tăng lương bình quân của Việt Nam gần đây là 2 con số, cao hơn mức tăng trưởng lương của nhiều nước trên thế giới chỉ ở mức 1 con số. Nhưng có đến 60% số người được JobStreet.com khảo sát nói rằng mức lương của họ không đủ sống.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]