Ông Phạm Huyền Anh: "Tổng mức cấp tín dụng của toàn hệ thống đối với hoạt động kinh doanh cổ phiếu chỉ trên 4% một chút so với tổng vốn điều lệ toàn hệ thống".
Ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định: “Thông tư 36 đang hỗ trợ tích cực thị trường chứng khoán, chống sở hữu chéo và góp phần đưa dòng vốn đến lĩnh vực hiệu quả”.
Thưa ông, đến thời điểm này, tín dụng cấp cho kinh doanh cổ phiếu chiếm tỷ trọng bao nhiêu so với tổng vốn điều lệ toàn hệ thống?
Qua số liệu giám sát, chúng tôi thấy rằng, đến nay, tổng mức cấp tín dụng của toàn hệ thống đối với hoạt động kinh doanh cổ phiếu chỉ trên 4% một chút so với tổng vốn điều lệ toàn hệ thống. So với quy định 5%/vốn điều lệ tại Thông tư 36 thì dư địa cấp tín dụng không bị siết mà còn mở rộng hơn.
Nhưng cơ chế này không phải chỉ để xử lý vấn đề của hiện tại mà cùng với quy định về điều kiện cấp tín dụng, Thông tư 36 đang phục vụ cho mục tiêu xa hơn là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi.
Vậy còn hệ số rủi ro cấp cho kinh doanh chứng khoán giảm từ 250% xuống còn 150% phản ánh điều gì?
Về mặt kỹ thuật, thông lệ Basel quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9%; có nghĩa trong 100 đồng cấp tín dụng thì bản thân các ngân hàng phải có ít nhất 9 đồng để chia sẻ rủi ro và thực hiện nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.
Dựa trên công thức: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (%) = vốn tự có/ tổng tài sản Có rủi ro x 100% = 9%.
Với nguyên tắc như vậy, mẫu số ở đây là tài sản “Có” rủi ro, bao gồm giá trị từng hoạt động tín dụng, đầu tư nhân với hệ số rủi ro; còn tử số là vốn tự có.
Lấy một ví dụ đối với một trong những cấu phần của tổng tài sản “Có” là cho vay chứng khoán sẽ thấy: Quyết định 03 trước đây quy định, trong 100 đồng cho vay chứng khoán phải nhân hệ số rủi ro 250%, kết quả là hệ số rủi ro bằng 250.
Nay, Thông tư 36 quy định, trong 100 đồng cho vay chứng khoán, chỉ phải nhân với hệ số rủi ro là 150%. Do đó, tài sản “Có” rủi ro đối với việc cấp tín dụng để kinh doanh chứng khoán của 100 đồng chỉ còn 150.
So sánh giữa Quyết định 03 và Thông tư 36 thấy rằng: quy định của Thông tư 36 đã làm cho mẫu số bé hơn so với mẫu số của Quyết định 03 trong điều kiện cùng một công thức tính toán với dữ kiện tử số giống nhau.
Như vậy, khi tử số không thay đổi và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9% thì tổ chức tín dụng có thể gia tăng cấp tín dụng cho nền kinh tế để đảm bảo vốn tự có không thay đổi mà vẫn đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% như quy định.
Việc giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150% cho thấy, vừa hỗ trợ hoạt động kinh doanh chứng khoán, vừa góp phần tạo thanh khoản tốt hơn cho tổ chức tín dụng để họ đưa vốn vào các lĩnh vực kinh doanh hiệu quả như định hướng của Chính phủ và nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước.
Sự ra đời của Thông tư 36 được cho là sẽ kiểm soát tốt hơn dòng vốn đi vào thị trường chứng khoán và góp phần ngăn lợi ích nhóm. Cụ thể, “kiểm soát” và “ngăn” được hiểu như thế nào?
Hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường chứng khoán không chỉ có góp vốn mua cổ phần mà còn liên quan nhiều đến cấp tín dụng. Vì thế, trong Thông tư 36 có quy định rất rõ và cụ thể về hoạt động cấp tín dụng cho một người và người có liên quan đến người được cấp tín dụng...
Những quy định này nhằm hạn chế “sân sau”, tránh sự méo mó trong hoạt động cấp tín dụng, có thể dẫn tới suy giảm chất lượng tín dụng. Việc hiểu thế nào là người có liên quan, giới hạn cấp tín dụng cho họ sẽ tránh được tình trạng họ lấy tiền của ngân hàng tạo lập “sân sau”, đưa vào kênh, lĩnh vực mang tính chất lợi ích nhóm.
Quy định cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan không được quá 15% vốn tự có là một ví dụ. Chẳng hạn, ngân hàng cấp tín dụng cho tôi và người có liên quan đến tôi là vợ, con... đều tính là một khách hàng.
Như thế, sẽ tránh được tình trạng, tôi lấy tiền ngân hàng đưa cho con lập công ty, rồi con tôi lại dùng pháp nhân đó vay tiếp ngân hàng, dẫn đến vốn ngân hàng dùng cho một mình gia đình tôi chứ không phải cho cả nền kinh tế.
Nhưng muốn được như thế thì phải lần theo dòng tiền. Thực tế, dòng tiền trong hệ thống ngân hàng thì thanh tra Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát nhưng khi ra khỏi hệ thống và đan chéo đâu đó thì rất khó. Giải quyết mắc mớ này như thế nào, thưa ông?
Phải thấy, quy định là như vậy nhưng để kiểm soát tốt dòng tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng nhằm đạt được mục tiêu như nói trên thì một mình Ngân hàng Nhà nước khó có thể làm được mà phải tìm được sự đồng thuận của cả xã hội. Trong đó, tổ chức tín dụng phải kiểm soát tốt dòng tiền mình cấp ra cho ai, đúng mục đích, đối tượng hay không và hiệu quả cụ thể như thế nào để sẵn sàng điều chỉnh ngay.
Hai là, các bộ ngành, đặc biệt là công an cần phải phối hợp chặt chẽ với Thanh tra giám sát ngân hàng trong vấn đề điều tra, nghiên cứu, phản ánh, trao đổi thông tin để có được bức tranh hoạt động tín dụng theo đúng như quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ba là, chúng tôi đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban chứng khoán Nhà nước để biết được nhà đầu tư mua, nắm giữ cổ phần cũng như việc họ lấy tiền ở đâu. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của họ tại các ngân hàng như thế nào, để từ đó hạn chế câu chuyện người liên quan lũng đoạn ngân hàng.
Khi Thông tư 36 chưa sắp ra đời, thị trường chứng khoán có biểu hiện sụt giảm trong vài phiên gần nhất. Nhiều ý kiến nói rằng, điều này sẽ thành xu hướng và như thế sẽ gây khó cho quá trình thoái vốn của doanh nhiệp nhà nước, quan điểm của ông?
Không hề ảnh hưởng vì thứ nhất Thông tư 36 không hề siết dòng vốn tín dụng cấp cho thị trường chứng khoán như đã nói ở trên mà một trong những mục đích lớn là hạn chế sở hữu chéo từ đó có thể dẫn đến thâu tóm, thao túng, lũng đoạn mà mình vẫn gọi là kết bè, kết mảng trong ngân hàng.
Thứ hai, Thông tư 36 cho phép với những hợp đồng đã ký với nhau vẫn tiếp tục có hiệu lực theo nguyên tắc không hồi tố. Tức là, những khoản cho vay chứng khoán, cho vay cổ phiếu đang có hiệu lực không hề ảnh hưởng.
Thứ ba, toàn hệ thống đang thực hiện tái cơ cấu mà một trong những mục tiêu đến 2015, phải đưa tổng nợ xấu về mức dưới 3%/tổng dư nợ. Để đạt được mục tiêu này phải áp dụng nhiều biện pháp: bán nợ cho VAMC, bán tài sản, thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ.
Như vậy, đồng hành với câu chuyện không hồi tố những khoản vay chứng khoán trước đây, “room” tín dụng cấp cho kinh doanh cổ phiếu lên tới 5% vốn điều lệ so với mức thực tế trên 4% (như nói trên), Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra những tấm đệm an toàn về mặt tài chính, quản trị rủi ro cho hệ thống.
Để từ đó, họ vừa có thể cấp tín dụng lành mạnh cho nền kinh tế, vừa có khả năng chống đỡ những rủi ro mà trước đây chưa từng đạt được mong muốn của cơ quan quản lý.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]