Người đứng đầu Cơ chế Giám sát chung (SSM) Daniele Nouy. (Nguồn: Reuters)
Bà Nouy chia sẻ quan điểm với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi khi nói rằng phải chấp nhận thực tế một số ngân hàng không có tương lai, để các ngân hàng này “biến mất” mà không cần phải sáp nhập với các ngân hàng khác.
Người đứng đầu SSM cũng lưu ý rằng bà muốn phá vỡ mối liên hệ giữa chính phủ và ngân hàng các nước trong khu vực đang nằm ở “tâm bão” của khủng hoảng nợ, thông qua việc yêu cầu các ngân hàng phải nắm giữ tài sản thế chấp đối với trái phiếu chính phủ.
Bà Nouy nhắc lại rằng một trong những bài học lớn nhất của cuộc khủng hoảng hiện nay là không có tài sản nào là không chứa đựng rủi ro, vì thế EU giờ đây cần hành động.
Cơ quan ngân hàng châu Âu đang tiến hành đợt “kiểm tra sức khỏe” 124 ngân hàng tại 22 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến sẽ thông báo kết quả vào tháng Mười tới.
SSM được thiết lập nhằm giám sát hệ thống ngân hàng các nước thành viên Eurozone, giúp ổn định hệ thống ngân hàng của Liên minh châu Âu và tránh cho chính phủ các nước trong khu vực phải gánh chịu các chi phí tài chính liên quan đến sự thất bại hay đổ bể của các ngân hàng trong khu vực.
Nhiệm vụ đầu tiên của bà Nouy trên cương vị SSM là sẽ giám sát việc "kiểm tra sức khỏe" các ngân hàng châu Âu, bao gồm việc đánh giá chất lượng tài sản và các bài sát hạch.
SSM, được coi là cánh tay phải của ECB, sẽ mở cửa vào tháng 11 tới và khi đó, khoảng 800 nhân viên sẽ nhận nhiệm vụ giám sát 130 ngân hàng lớn nhất Eurozone. Các cơ quan giám sát ngân hàng của các nước sẽ chịu trách nhiệm giám sát hàng nghìn ngân hàng nhỏ hơn trong khu vực.
Tuy nhiên, bà Nouy tỏ ra khá cứng rắn khi nói rằng SSM sẽ không ngại việc rút lại quyền lực của các cơ quan này nếu cần./.
Theo Như Mai - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]