Sau hàng chục năm, người dân và doanh nghiệp được thắp hy vọng vay vốn lãi suất bình quân chỉ 5%/năm. Đây dường như là một nhiệm vụ bất khả thi đối với Ngân hàng Nhà nước, nhưng vẫn có cơ sở đặt ra cho nhiệm kỳ 2016-2021.
Mức lãi suất vay vốn bình quân đó được xác định là mục tiêu, có trong dự thảo đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ.
Nếu được Bộ Chính trị duyệt để ban hành, mục tiêu lãi suất cho vay bình quân 5%/năm sẽ chính thức trở thành thước đo mức độ thực hiện những năm tới.
Mục tiêu lý tưởng
Thoạt tiên, khi trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mục tiêu kéo lãi suất cho vay bình quân 5 năm tới về 5%/năm là cực khó, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Tính toán đơn giản, với mặt bằng hiện nay, để thực hiện được mục tiêu đó, thì mỗi năm phải giảm được cỡ 1%/năm lãi suất. Cụ thể nữa, lãi suất huy động đầu vào cũng phải giảm xuống còn 2-3%/năm, và liên quan là ứng xử của người gửi tiền.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, đó là mục tiêu lý tưởng, vì trước hết gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tương ứng khoảng 2% mỗi năm.
“Nếu kiểm soát được lạm phát quanh 2%, như mức mục tiêu mà Mỹ cũng đang hướng đến, cùng lãi suất cho vay bình quân kéo về được 5%/năm, thì thật là lý tưởng cho Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Trước hết, với lãi suất, trực tiếp là chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp sẽ dễ chịu rất nhiều so với lãi vay cao kéo dài hàng thập kỷ qua. Chi phí của nền kinh tế, gắn với sức cạnh tranh, sẽ có thuận lợi để thúc đẩy cho tăng trưởng.
Và với lạm phát, nếu kiểm soát được quanh 2% mỗi năm, đặt trong yêu cầu đầu tiên của mục tiêu lãi suất cho vay nói trên, giá trị đối với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng rõ ràng. Ví như, nhiều năm trước, tăng trưởng tín dụng trên 20%, thì trong đó thực chất đã “mất đi” cỡ 7-8%, thậm chí cao hơn, để bù cho lạm phát.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, sự lý tưởng của mục tiêu kéo lãi suất cho vay bình quân về 5%/năm còn nằm ở chỗ, để đạt được thì phải giảm thiểu được các chi phí bị đội lên từ nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro, chi phí cạnh tranh do những yếu kém còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng.
Trong dự thảo đề án vừa công bố, không nêu mối liên hệ trực tiếp, nhưng xét tổng thể, mục tiêu kéo lãi suất cho vay bình quân về 5%/năm nói trên cũng trở nên lý tưởng khi xem xét ở góc độ là kết quả của loạt yêu cầu, vấn đề căn cơ đang tồn tại và thử thách mà Ngân hàng Nhà nước phải xử lý được.
Đó là hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giảm mạnh rủi ro hệ thống và tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính. Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hai điểm nội dung này đều đánh vào chi phí và cạnh tranh huy động quá mức vì rủi ro thanh khoản - hai điểm đệm lãi suất cao trong những năm qua.
Nhiệm kỳ lịch sử?
Còn theo góc nhìn của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để thực hiện được mục tiêu lãi suất nói trên, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện được một loạt các yêu cầu, mà nếu xử lý được thì đây sẽ là một nhiệm kỳ lịch sử.
Yêu cầu đầu tiên là phải ổn định được vĩ mô, đặc biệt là phải kiểm soát được lạm phát quanh mức 2% mỗi năm như trên, giá trị của đồng tiền được đảm bảo.
Trong sự ổn định đó, các thị trường cũng phải được giữ ổn định, như vấn đề tỷ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… Những thị trường này còn đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các chính sách, điều hành của bộ ngành khác.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước phải ổn định được hệ thống tài chính, với trục hoạt động lành mạnh, an toàn bền vững của các tổ chức tín dụng. Yêu cầu này gắn với việc xử lý được triệt để nợ xấu, sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong hệ thống.
Thứ ba, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu tách riêng tái cơ cấu các ngân hàng thương mại thành một yêu cầu trọng tâm, trong đó tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém - điểm mà ông cho là vừa níu kéo chi phí ở nợ xấu cao, vừa tiềm ẩn rủi ro hoạt động và cạnh tranh lãi suất.
“Với người gửi tiền, họ vẫn thấy trong hệ thống tiềm ẩn rủi ro, và điều này cũng một phần phản ánh lên lãi suất”, ông Hiếu nói, cũng như nêu quan điểm cần xử lý triệt để những rủi ro đó.
Đó là cho phá sản những ngân hàng yếu kém mà không thể khắc phục được, chứ không tiếp tục dùng biện pháp mua lại bắt buộc với giá 0 đồng. Mà để cho phá sản, chuyên gia trên nhấn mạnh ở cơ chế của bảo hiểm tiền gửi.
“Hạn chế hiện nay là vai trò và nguồn lực mờ nhạt của Bảo hiểm Tiền gửi tại Việt Nam. Theo tôi, Quốc hội nên xem xét làm sao có một nguồn vốn xứng đáng cho tổ chức này, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cũng phải được nâng lên khoảng 200 triệu đồng thay vì chỉ 50 triệu đồng. Nó phải có vai trò thực sự, tham gia thực sự vào tái cơ cấu ngân hàng, tham gia giám sát hệ thống. Như trước đây tôi làm ngân hàng ở Mỹ, sợ nhất là cơ quan bảo hiểm tiền gửi vào kiểm tra hoạt động. Như thế để tăng cường sự tuân thủ, để giám sát an toàn hơn nữa”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Mặt khác, khi có hạn mức chi trả bảo hiểm cao hơn, người dân cũng yên tâm hơn khi gửi tiền vào ngân hàng.
Gắn với mục tiêu trên, nếu lãi suất cho vay bình quân về 5%/năm, lãi suất huy động đầu vào sẽ chỉ còn 2-3%/năm, câu hỏi là người dân có mặn mà với kênh gửi tiền vào ngân hàng hay không.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp khoảng 2% mỗi năm, giá trị VND được đảm bảo, an toàn hệ thống ngân hàng được củng cố, các bất cập được xử lý để tạo niềm tin, thì người dân vẫn gửi tiền ở ngân hàng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]