Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8/2014, tại Việt Nam đang có 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó có 2 chi nhánh ngân hàng chuẩn bị đóng cửa), 5 ngân hàng liên doanh và 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Tổng tài sản của nhóm ngân hàng này đạt 694.909 tỷ đồng, chiếm 11,5%; vốn tự có đạt 108.410 tỷ đồng, chiếm gần 22% vốn tự có của toàn hệ thống. So với thời điểm cuối năm 2013, tổng tài sản của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài giảm 1,42% trong khi vốn tự có tăng 8,16%.
Xét về hiệu quả hoạt động, chỉ tiêu ROA và ROE, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đến tháng 8/2014 lần lượt đạt 0,45%; 2,89% và 31,01% . So với cuối năm 2012, các chỉ tiêu ROA, ROE tháng 8/2014 của khối ngân hàng này đều không ngoại lệ so với tình hình chung của toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, giảm khá, ở mức thấp hơn bình quân toàn hệ thống. Riêng chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng liên doanh, nước ngoài ở mức cao trong hệ thống.
Mặc dù các chỉ tiêu thống kê cho thấy hiệu quả hoạt động của các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không cao. Nhưng trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn cũng như nhu cầu dịch chuyển các công xưởng sản xuất của thế giới về Việt Nam, thị trường vốn (thông qua hệ thống ngân hàng) ở Việt Nam hứa hẹn sẽ rất sôi động và ảnh hưởng đáng kể vào kết quả hoạt động của các ngân hàng, chi ngánh, văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Đón đầu dòng chảy mạnh mẽ FDI vào Việt Nam
Hàn Quốc đang trở thành quốc gia dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam khi trong tháng 10/2014 Hàn Quốc đã đầu tư 415 dự án mới và có 129 dự án tăng vốn với tổng tổng vốn đầu tư mới và tăng vốn 3,6 tỷ USD. Không tính các văn phòng đại diện hiện có 6 chi nhánh các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam với quy mô vốn điều lệ 402 triệu USD.
Cuối năm 2013, Ngân hàng công nghiệp Hàn Quốc – Industrial Bank of Korea đã mở thêm chi nhánh tại Hà Nội với vốn điều lệ 50 triệu USD. Đây là chi nhánh thứ 2 tại Việt Nam của Ngân hàng này. Báo cáo thường niên năm 2013 của Industrial Bank of Korea cho biết ngân hàng này mở thêm chi nhánh hoạt động tại Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, 10 tháng đầu năm 2014, Đài Loan đã đầu tư 60 dự án cấp mới và 44 lượt dự án tăng vốn, đạt 723,4 triệu USD tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng thêm, đứng thứ 5 trong tổng số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Lũy kế đến tháng 10/2014, quốc gia này xếp thứ 4/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam với 2343 dự án cấp mới (chiếm 13,6% tổng số vốn) và 28,05 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký (chiếm 11,5% tổng số vốn đầu tư đăng ký). Đây chắc chắn là lý do quan trọng cho sự hiện diện của hầu hết top 10 ngân hàng lớn nhất của Đài Loan tại Việt Nam.
Taipei Fubon – một ngân hàng thuộc Tập đoàn tài chính Fubon – Đài Loan (xếp thứ 9 về quy mô tổng tài sản) cho biết chiến lược của ngân hàng này và các thành viên trong Tập đoàn tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh sự hiện diện của họ tại đây cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng tại địa phương và các doanh nghiệp FDI Đài Loan.
Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hiệu lực, FTA Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, Hiệp định TPP dự kiến sẽ được thông qua.... nếu Việt Nam chuẩn bị tốt cơ hội này giới chuyên gia dự báo trong vòng 2-3 năm tới Việt Nam sẽ chứng kiến một làn sóng đầu tư mới – các nguồn tiền sẽ đổ vào Việt Nam kể cả nguồn tiền từ FDI, hoặc thông qua M&A. Các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ắt sẽ bận rộn trong thời gian tới.
Thay lời kết, dẫn lời ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, tổng giám đốc chi nhánh Ngân hàng Bangkok tại Việt Nam trả lời với truyền thông Thái Lan, cho biết 8 tháng đầu năm 2014, dư nợ cho vay của Bangkok Bank tại Việt Nam tăng 10% so với cuối năm 2013 (trong khi cùng thời điểm, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ tăng 4,33%).
Ông còn chia sẻ thêm các khoản vay của khối FDI chiếm 90% khoản vay mới của ngân hàng này, Bangkok Bank đã nhận thấy dòng chảy mạnh mẽ FDI vào Việt Nam và đã tham gia vào việc cấp tín dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]