Trái với sự tĩnh lặng trong 2014, đầu 2015, thông tin về M&A trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nóng không chỉ ở số lượng lớn NH sẽ sáp nhập, mà còn sự xuất hiện của những cái tên lớn hàng đầu tại Việt Nam như: Vietcombank, BIDV, VietinBank…
Thông tin chính thức từ NHNN cho biết, trong năm 2015, sẽ thúc đấy quá trình tái cơ cấu ngân hàng diễn ra quyết liệt hơn. NHNN đã đề ra mục tiêu là kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc; xử lý cơ bản tình trạng sở hữu chéo, hình thành một số NHTM quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh.
Trao đổi mới đây, lãnh đạo NHNN cho biết, dự kiến sẽ có 6-7 thương vụ hợp nhất, sáp nhập giữa các NH trong năm nay. Và cơ quan quản lý không loại trừ áp dụng các biện pháp bắt buộc như mua cổ phần bắt buộc, chỉ định sáp nhập, hợp nhất...
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2015 của Vietcombank mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: hiện tái cơ cấu đã đi qua giai đoạn 1 đã xử lý những NH yếu kém nhất trong hệ thống. Giai đoạn 2 sẽ có những tổ chức tín dụng mạnh hơn và thông qua đó để xử lý NH yếu tiếp như ngân hàng lớn phải nhận ngân hàng nhỏ; hoặc có những tổ chức tín dụng sẽ do NHNN trực tiếp xử lý.
“Việc tái cơ cấu hợp nhất ngân hàng, NHNN sẽ triển khai quyết liệt trong 6 tháng đầu năm 2015; 6 tháng còn lại sẽ triển khai tiếp”, ông Bình nói
Được nhắc đến nhiều nhất là rường hợp Vietcombank và Saigonbank. Nếu điều này hiện thực thì đây là thương vụ được cho là thuận lợi nhất. Vietcombank là NH lớn hàng đầu Việt Nam với các chỉ số an toàn rất cao trong khi Saigonbank dù nhỏ nhưng được cho là khá sạch. Vietcombank hiện cũng là cổ đông lớn của Saigonbank và hai NH có mối quan hệ gần gũi về nhiều mặt.
Trong khi đó, BIDV cũng được cho là cũng sẽ sáp nhập thêm một nhà băng khác và thông tin hiện nay đang hướng về MHB. VietinBank sáp nhập một ngân hàng nhỏ, từng được xác định là PGBank nay lại xuất hiện thêm cái tên OcceanBank hay GPBank
Bên cạnh đó, còn có thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank đã được nhắc với vai trò nổi bật của ông Trầm Bê. Mekong Bank được ho là sẽ sáp nhập Maritime Bank. Nam A Bank cũng đã xác nhận về chủ trương sáp nhập và đối tác sẽ là một NH cổ phần lớn.
Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, Thời gian qua, chúng ta vẫn dành thời gian để các tự tìm hiểu, kết hôn với nhau. Nếu trường hợp không có khả năng thì buộc phải tìm đến cơ quan chính sách, vì đến thời hạn, buộc phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định
Chỉ có lợi mà thôi?
Trao đổi với báo chí, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, 2014 là năm các nh tự tái cấu trúc, làm đẹp lại mình. Còn 2015, các NH sẽ tìm hiểu, kết hôn, nếu không thành thì tìm đến với chính sách, làm theo chỉ định.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, tâm lý của các NH là không muốn sáp nhập, mà nếu muốn sáp nhập thì ai cũng giành quyền quản lý. Trừ khi ngân hàng đó thực sự lớn mạnh thì các NH nhỏ phải dựa vào để tồn tại. Nhiều thương vụ sắp tới có thể có NH lớn sẽ ôm trọn NH bé, nhưng chỉ có NH nhỏ muốn gắn toa tàu của họ vào NH lớn để tồn tại. Còn các NH lớn chỉ là làm theo "chỉ định" vì họ không hề muốn sáp nhập ôm các ngân hàng nhỏ.
Dường như đoán được tâm lý này, Thống đốc Bình đã khẳng định quan điểm: Ngân hàng lớn phải nhận ngân hàng nhỏ. Ông Bình cho rằng, chủ trương vừa là tự nguyện tham gia nhưng cũng phải nói thẳng với nhau là phải tham gia và phải làm bằng tinh thần cố gắng, quyết liệt nhất.
Tuy nhiên, để củng cố tinh thần các NH lớn, ông Bình cho rằng, "việc sáp nhập NH nhỏ, chúng tôi đảm bảo không để các ngân hàng thiệt, tôi xin khẳng định tham gia đợt này NH không mất mát gì. Điều cần thiết các NH lớn bỏ ra chính là uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhân lực, đào tạo…Còn cơ chế chính sách, NHNN sẽ nghiên cứu để làm sao các NHTM không bị thua thiệt …"
Ngược lại, theo ông Bình, khi sáp nhập, NH lớn sẽ mở rộng thị trường, có thêm một hệ thống mạng lưới mấy chục, mấy trăm chi nhánh mà “không mất đồng nào” mà lại được tiếng trên thị trường…
Lấy ví dụ từ thực tế, ông Bình cho rằng, các ngân hàng lớn như Vietcombank để phát triển thành NH số 1 Việt Nam và thuộc nhóm đầu khu vực nếu lớn lên theo cách truyền thống thì rất lâu và khó. Cách tốt nhất để làm điều này là sáp nhập một NH khác.
Nhìn lại thực tế, nếu trước đây, các NH bị sáp nhập là yếu kém, có khả năng đổ vỡ thì giờ đây hầu hết các gương mặt nằm trong tầm ngắm của chiến dịch M&A lần này đều khá và sáng hơn. Và khi các ông lớn đều xác nhận vào cuộc thì xem ra mọi việc đã xong hết giai đoạn chuẩn bị đã xong và chỉ chờ ngày ra “quyết định”.
Mục tiêu tới 2017, hệ thống chỉ còn lại khoảng 20 ngân hàng thương mại. Như vậy sẽ có cả chục vụ sáp nhập, hợp nhất để làm biến mất cả chục NH so với hiện nay. Trong những thương vụ đó, lợi ích của các ông chủ, các đại gia ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng khác nhau. Ccâu hỏi luôn được quan tâm là là: Ai sẽ là người được hưởng lợi, đại gia nào sẽ mất mát trong cuộc chơi này?
Tuy nhiên, nói như ông Ngoạn, việc áp nhập NH trong thời gian tới sẽ hướng tới một cuộc chơi mới, tới một mục đích cao hơn như: chuẩn bị cho cạnh tranh khi hội nhập sau hơn; tạo đà cho một giai đoạn tăng tốc mới của nền kinh tế…
Vì thế, “Về nguyên tắc, các tổ chức tài chính phải đảm bảo tiêu chí vì lợi ích chung của hệ thống của quốc gia. Các nước yêu cầu các tổ chức yếu kém phải phá sản. Còn chúng ta, sáp nhập là một cách thức thay đổi căn bản khắc phục các định chế yếu kém không đạt yêu cầu”, ông Ngoạn nói.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]