Theo đó, DN mới mạnh dạn vay vốn và đầu ra tín dụng dần khai thông. Nếu cứ chỉ có hệ thống ngân hàng “vào cuộc” thì dù cố gắng bao nhiêu đi nữa tín dụng sẽ vẫn tăng trưởng trầy trật.
Vẫn đỏ mắt tìm khách vay
Dù đến ngày 23/5/2014, tăng trưởng tín dụng (TTTD) đạt 1,31%, tăng gần gấp đôi so với tháng trước, theo thống kê của NHNN, nhưng nhiều lãnh đạo NHTMCP vẫn tỏ ra lo ngại về tình hình TTTD.
Vì sao các ngân hàng chưa thể mừng khi tốc độ TTTD đã được cải thiện? Bởi nhìn vào cơ cấu TTTD, một lượng vốn lớn đã được các ngân hàng đổ vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 5 tháng đầu năm 2014, Kho bạc Nhà nước đã huy động được được hơn 96.704 tỷ đồng TPCP, tương đương với mức đã huy động trong cả năm 2013. Và 85% khách hàng mua vẫn là các TCTD.
Lý giải điều này, Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho biết, việc tiếp tục mua TPCP vừa là tạo gối đệm thanh khoản cho các ngân hàng, mặt khác cũng giải phóng bớt tiền ế trong kho của mình. Đây cũng là giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí vốn, thay vì cho vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất thấp. Dẫu biết, đầu tư vào TPCP không phải giải pháp lâu dài, nhưng trước mắt các ngân hàng không có nhiều sự lựa chọn.
“Ngân hàng mong cho vay lắm chứ. Vì 70 – 80% thu nhập của ngân hàng từ cho vay. Tuy ngân hàng tìm nhiều cách nhưng kiếm DN tốt vay vốn như mò kim dưới đáy bể”, ông Trung bày tỏ.
Nhấn mạnh cái khó trong việc đẩy tín dụng, lãnh đạo một NHTMCP lớn khẳng định: nếu ai giới thiệu DN tốt, chúng tôi cho vay ngay, lãi suất chỉ 5%/năm. Nhưng hiện có gói tín dụng mấy nghìn tỷ với lãi suất thấp của ngân hàng không giải ngân được vì chưa có khách hàng nào đáp ứng đủ điều kiện.
Về phía người đi vay, DN vẫn kêu lãi suất chưa đủ kích thích người vay. Các ngân hàng nên chấp nhận lãi biên thấp hơn, chỉ khoảng 2% là vừa. Không đồng tình quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, lãi biên tín dụng còn phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của DN.
Ông phân tích cụ thể hơn: mức lãi suất cho vay ngân hàng đưa ra dựa trên giá vốn “cộng” lãi biên. Nếu DN khỏe thì sẽ được vay lãi suất thấp. Hiện nhiều ngân hàng đang chào khách hàng với mức lãi suất chỉ 6 - 7%/năm, bằng mức lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Như thế, lãi biên ngân hàng có thể chỉ bằng 0%. Còn nếu sức khỏe tài chính DN không tốt, đầu tư lĩnh vực rủi ro thì phải chấp nhận lãi suất cao. Và lãi biên sẽ phải cao hơn. Như vậy, ngân hàng đang sẵn sàng chấp nhận lãi biên thấp, thậm chí bằng 0. Vấn đề mấu chốt phải đảm bảo chất lượng khoản vay tốt.
“Giờ đã qua cái thời ngân hàng lấy số lượng doanh số làm mục tiêu phấn đấu, mà phải là chất lượng của từng khoản vay. Nên thời điểm này, nếu DN nào kêu về lãi suất cho vay cao thì phải xét lại năng lực tài chính”, vị này nhấn mạnh.
Cân nhắc điều chỉnh lãi suất
Trong dịp công tác tại Hà Nội, Phó tổng giám đốc một ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh không giấu được vẻ mệt mỏi khi trò chuyện với phóng viên TBNH. Vị này cho biết, cứ nghĩ là năm 2013 khó khăn lắm rồi, nhưng sang đến năm nay khó khăn hơn bội phần. “Dù cán bộ tín dụng của tôi làm ngày làm đêm, bất kể ngày nghỉ, nhưng phải khó khăn lắm mới rót được tiền vào DN. Chưa năm nào tăng tín dụng lại chật vật như năm nay”, vị này than thở.
Thực tế, có DN bày tỏ rõ quan điểm là không có nhu cầu vay vốn, chỉ khi ngân hàng chấp nhận hạ lãi suất hơn nữa thì họ có thể tính đến. Nếu phải hạ lãi suất cho vay hơn nữa thì lãi suất huy động đầu vào của ngân hàng cũng phải xuống theo. Và có một số ngân hàng đề xuất NHNN tính toán đến phương án hạ lãi suất huy động.
Nếu chỉ một mình ngân hàng “vào cuộc” rất khó khai thông dòng chảy tín dụng hỗ trợ DN
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình chia sẻ: dù ngưỡng này đang ở mức cân bằng của nền kinh tế nhưng cần cân nhắc hết sức thận trọng có tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không. Nếu giảm nữa được thì ngân hàng có cơ hội giảm lãi suất cho vay. Nhưng trong dài hạn sẽ không ổn định vì chênh lệch lãi suất USD và VND thu hẹp, vị thế và tính hấp dẫn của VND bị ảnh hưởng.
Thừa nhận dư địa hạ lãi suất huy động vẫn còn, nhưng Tổng giám đốc OCB – ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, chưa chắc đã là hợp lý trong thời điểm này. Vì với mức lãi suất hạ như hiện nay, các ngân hàng đang phải khuyến khích người gửi tiền, nên nếu thấp nữa thì có thể người dân cân nhắc chuyển sang kênh đầu tư khác. Trong khi thời điểm từ quý III, các ngân hàng cần vốn nhiều hơn. Do đó, nên để các ngân hàng tự cân đối chi phí và sử dụng các biện pháp khác để giảm lãi vay cho DN chứ không nên áp dụng chung toàn hệ thống.
Vấn đề mấu chốt hiện nay, theo TS. Trần Du Lịch, là sức cầu và tăng trưởng sản xuất thực không cải thiện bao nhiêu trong những tháng đầu năm nay, nên không thể đòi hỏi ngân hàng hạ lãi suất thêm nữa. Hơn thế, khi hạ lãi suất trong điều kiện kinh doanh đang khó khăn, kinh tế phục hồi chậm, nếu không tính toán cẩn thận, nợ xấu của các ngân hàngsẽ tăng lên. Bài học nhãn tiền của những năm TTTD nóng đang khiến các ngân hàng phải vất vả đi đòi các khoản nợ xấu. Nên dù vốn dư thừa, nhưng quan điểm các ngân hàng vẫn rất thận trọng khi xét duyệt cho vay để tránh nguy cơ rủi ro, nợ xấu chồng nợ xấu.
Sau những nỗ lực của hệ thống ngân hàng, một số chuyên gia khuyến nghị chính sách tiền tệ không thể “nâng” được cả nền kinh tế mà phải đi đôi song hành với chính sách tài khóa. Trong thời điểm này, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế… có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ tích cực cho DN vượt qua khó khăn, hồi phục sản xuất kinh doanh. Theo đó, DN mới mạnh dạn vay vốn và đầu ra tín dụng dần khai thông. Nếu cứ chỉ có hệ thống ngân hàng “vào cuộc” thì dù cố gắng bao nhiêu đi nữa tín dụng sẽ vẫn tăng trưởng trầy trật.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]