Một chi nhánh mất ngàn tỷ...
Các cơ quan bảo vệ pháp luật Hà Nội đang xử lý một nhóm các đối tượng làm hồ sơ giả mạo để vay vốn của các ngân hàng. Những đối tượng này đã làm giả toàn bộ hồ sơ: giả từ chứng minh thư nhân dân của người vay vốn, giả hóa đơn chứng từ mua bán ô tô để chứng minh mục đích sử dụng vốn, giả cả sổ đỏ tài sản đảm bảo. Độ tinh vi của các nhóm này không chỉ lừa được 1 mà lên đến vài ngân hàng với con số thiệt hạ lên tới gần chục tỷ.
Tuy nhiên, chuyện như thế trong giới ngân hàng không hề ít và ngày càng lộ ra nhiều chuyện đến là khó tin khi ngân hàng bị lừa đảo bởi giấy tờ giả.
“Hình thức lừa đảo chủ yếu của các khách hàng cá nhân là làm giả các loại giấy tờ. Chương trình cho vay mua xe ô tô thì có trường hợp làm giả hợp đồng mua bán, thậm chí làm giả giấy hẹn của cảnh sát giao thông nếu mua xe mới, còn mua xe cũ thì làm giả đăng ký. Cho vay mua nhà đất thì làm giả cả sổ đỏ, làm khống hợp đồng mua bán công chứng rồi hẹn nhau đi hủy hợp đồng rồi rút tiền ngân hàng ra... ”, một cán bộ tín dụng lâu năm chia sẻ.
Tuy nhiên, thiệt hại như trên vẫn “tương đối nhỏ” so với các vụ đại án. Mới đây, cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng đã hoàn thành kết luận sai phạm tại CN Đông Anh của một ngân hàng. Trong vụ án này, các đối tượng đã làm giả các loại giấy tờ, lừa đảo chiếm đoạt số tài sản của ngân hàng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Điểm lại các vụ án nổi cộm khiến nhiều cán bộ ngân hàng “dính dáng” trong thời gian vừa qua, từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, CTCP Thủy sản Phương Nam của đại gia một thời Lâm Ngọc Khuân, hay vụ tranh chấp tài sản của hàng chục tổ chức tín dụng với Công ty Cà phê Trường Ngân... đều thấy “bóng dáng” của các loại giấy tờ giả dễ dàng đổi ngàn tỷ của ngân hàng.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các công cụ làm giả giấy tờ đang ngày càng hiện đại. Kết hợp với bối cảnh xã hội chung, thực sự, giấy tờ giả mạo đang bủa vây và là vấn nạn đối với các ngân hàng, công ty tài chính.
“Nếu ngày xưa chủ yếu làm giả các loại giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập, ví dụ như hợp đồng lao động ký lương cao lên, hoặc các hợp đồng cho thuê nhà, cho thuê xe với giá cao hơn thực tế... với mục đích để chứng minh nguồn trả nợ cho phù hợp với quy định, thủ tục. Bây giờ xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp làm giả toàn bộ hồ sơ vay vốn, từ các giấy tờ tùy thân, hồ sơ tài sản đảm bảo, hồ sơ chứng minh mục đích... Hiện tượng làm giả bây giờ xuất hiện ở cả khách hàng DN lẫn và khách hàng cá nhân với thủ đoạn thì ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện” - một cán bộ tín dụng cho hay.
Công nghệ tinh vi, con người tham lam
Theo một chuyên gia khoa học hình sự thì “giấy tờ giả" chỉ là cách nói chung chung. Về mặt khoa học hình sự, sẽ giám định được các cơ chế hình thành tài liệu giả từ các biện pháp can thiệp của con người. Càng ngày, thủ thuật làm giả càng tinh vi. Nếu ngày xưa, biện pháp chủ yếu là cắt, dán, tẩy xóa các loại con dấu, chữ ký, dữ liệu thì ngày nay với phát triển của công nghệ thì phương thức làm giả cũng tinh hơn. Và bản thân, bằng mắt thường, rất khó có thể phân biệt được các loại giấy tờ này mà cần phải có sự giám định của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, yếu tố con người và vấn đề đạo đức cũng là “nguyên nhân” góp phần làm cho tình trạng làm giả giấy tờ ngân hàng có phần diễn biến phức tạp.
“Nói chung, giấy tờ để phân biệt thật giả sẽ rất khó khăn nếu chỉ có mắt thường và nhất là trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng lớn của nhân viên. Và có thể, nhiều lúc, cán bộ của chúng tôi thực sự chưa chuẩn mực theo quy trình, nhưng đó không phải là tất cả”, giám đốc pháp chế một ngân hàng thừa nhận.
Vấn đề đạo đức kinh doanh càng ngày càng trở thành một rủi ri lớn. Điển hình như trong kết luận điều tra của Cơ quan điều tra về với vụ lừa đảo tại CN Đông Anh của một NHTMCP đã chỉ ra rất rõ: cán bộ tín dụng giúp sức cho các cá nhân liên quan làm các loại giấy tờ giả, “vạch đường chỉ lối” tại chính trụ sở ngân hàng cho các đối tượng này biết cách làm giả giấy tờ, làm lại giấy tờ cho hợp lý, phù hợp.
Rõ ràng, bên cạnh yếu tố kỹ thuật cao và cán cán bộ ngân hàng thiếu chuyên môn về nhận biết giấy tờ thật giả, vấn đề đạo đức cũng sẽ rất cần được các ngân hàng đề cao và cần xử lý mạnh mẽ. Hiện này, nhiều ngân hàng bắt đầu “rục rịch” mở các khóa đào tạo về vấn đề nhận biết giấy tờ thật giả. Tuy nhiên, “các khóa học này rất ngắn, chỉ cung cấp được những kiến thức sơ đẳng nhất cho nhân viên. Đồng thời, cán bộ ngân hàng thì “phàn nàn” áp lực về tốc độ giải quyết hồ sơ, thiếu các bài học kinh nghiệm được cảnh báo nên cũng rất khó để có thể kịp thời phát hiện.
Giám đốc Quản trị rủi ro một ngân hàng thương mại cho biết: “Để hạn chế được rủi ro giấy tờ giả này, cái đầu tiên là cán bộ tín dụng phải giỏi, phải nắm rõ được khách hàng, có đạo đức tốt, không qua loa, chiếu lệ hay mờ mắt vì tiền; rồi cán bộ vận hành phải tỉnh táo, đúng quy trình, thứ nữa mới hy vọng là dựa vào kỹ thuật này, hay biện pháp kia để phát hiện vấn đề”.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]