Cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên rời Liên minh Châu Âu (EU) hay không, còn được gọi là British Exit- Brexit , đang khiến các thị trường Châu Á bị ảnh hưởng.
Trong phiên 13/6, cổ phiếu trên toàn thị trường Châu Á giảm mạnh với chỉ số Nikkei của Nhật Bản mất tới 3,5%.
Các nhà đầu tư đổ xô vào những loại tài sản được coi là an toàn như trái phiếu Hàn Quốc và Nhật Bản, qua đó đẩy lãi suất của những loại trái phiếu này xuống mức rất thấp trong phiên giao dịch.
Trong khi đó, đồng Yên Nhật Bản, đồng tiền vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư trong khu vực lại tăng giá do cầu tăng. Thậm chí, đồng Yên đã tăng giá mạnh so với đồng Euro và hồi phục lại mức cao cách đây 3 năm trước khi Ngân hàng Trung ương Nhât Bản (BoJ) thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ lớn chưa từng có.
Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu Anh rời EU
Số liệu của Capital Economics, kim ngạch xuất khẩu của Châu Á đến Anh chiếm 0,7% GDP khu vực này. Theo những dự đoán tồi tệ nhất, việc nhu cầu nhập khẩu của Anh từ Châu Á giảm 25% có thể khiến tăng trưởng GDP của Châu Á mất khoảng 0,2%.
Đặc biệt, một số nền kinh tế Châu Á sẽ chịu thiệt hại nặng hơn những nước khác nếu Brexit xảy ra, như Việt Nam , Campuchia hay Hồng Kông. Những quốc gia này có quan hệ thương mại tương đối mạnh với Anh dựa trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính bằng %GDP.
Tồi tệ hơn, nếu Brexit kích thích một làn sóng rút vốn tại các thị trường mới nổi Châu Á, những nước như Ấn Độ và Malaysia sẽ là các thị trường chịu thiệt hại nhiều nhất.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Anh của các nước Châu Á tính bằng %GDP.
Hai quốc gia này đang có thâm hụt tài khoản vãng lai và điều này khiến chính phủ 2 nước gặp khó khăn nhiều hơn khi phải đối phó với một làn sóng rút vốn, đặc biệt là khi cả Ấn Độ và Malaysia đang có một khoản nợ lớn bằng ngoại tệ đang phải thanh toán trong ngắn hạn.
Hiện nay, trái phiếu của một số thị trường rủi ro như Indonesia đã bị các nhà đầu tư bán bớt, khiến lãi suất trái phiếu tại đây tăng nhẹ trong phiên 13/6 lên 7,622%.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,618% do nhà đầu tư tăng cường mua vào loại tài sản đảm bảo này. Tương tự, lãi suất trái phiếu Nhật Bản và Đài Loan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục tương ứng là (-0,158%) và (-0,77%).
Trên thị trường tiền tệ, việc các nhà đầu tư lo ngại Brexit và mua vào đồng Yên đã khiến những loại tiền khác như Malaysia Ringgit và Indnesia Rupiah giảm mạnh so với đồng USD so với phiên thứ 6 tuần trước.
Đồng Yên sẽ lên giá
Sự biến động mạnh của thị trường cho thấy các nhà đầu tư Châu Á đang vô cùng lo lắng với cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tại Anh, qua đó có thể gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế bờ bên kia thế giới. Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy ngày càng có nhiều cử tri Anh đồng ý việc rời khỏi EU.
Việc Anh rời EU, có thể gây nên sự biến động trong nền kinh tế Châu Âu, qua đó tổn thương các ngành xuất khẩu và giao dịch thương mại của Châu Á.
Hơn nữa, Brexit có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế lo lắng và rút vốn khỏi những tài sản rủi ro ở Châu Á, qua đó kích thích một làn sóng điều chỉnh tại các thị trường mới nổi ở đây.
Ngoài ra, những loại tài sản được xoi là an toàn tại Châu Á sẽ tiếp tục tăng giá, ví dụ như đồng Yên, qua đó khiến xuất khẩu của Nhật Bản gặp khó khăn hơn do sản phẩm mất lợi thế về giá.
Tỷ giá đồng USD so với đồng Yên trong 1 tuần qua.
Theo nhà quản lý quỹ Khiem Do của Baring Asset Management, các nhà đầu tư hiện đang lo lắng rằng tình trạng giảm tốc kinh tế toàn cầu sẽ bị làm trầm trọng thêm bởi Brexit.
Thông thường, nếu Brexit xảy ra, các nhà đầu tư sẽ kỳ vọng những ngân hàng trung ương và các ddonhj chế tài chính hành động để bình ổn thị trường. Dẫu vậy, rõ ràng là nhiều nhà đầu tư hiện nay không tin tưởng các ngân hàng trung ương có thể phản ứng đủ nhanh và hiệu quả trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và BoJ sẽ đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ trong thời gian tới cũng khiến thị trường Châu Á chịu áp lực.
Một yếu tố nữa cũng tác động đến nhà đầu tư là việc chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI đang xem xét có đưa các cổ phiếu của chứng khoán Trung Quốc vào trong bảng tính toán của họ hay không. Quyết định này cũng sẽ được công bố trong thời gian tới và các nhà đầu tư đang khá lo lắng về kết quả cuối cùng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]