Lo ngại vốn “chết trên đất”
Trước khi Thông tư 36 được ban hành, nhiều NHTM đã kiến nghị NHNN điều chỉnh nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Nguyên nhân do vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 80-85% tổng huy động, trong khi nhu cầu vay vốn trung và dài hạn rất cao, chốt chặn 30% không đủ để NH đáp ứng.
Sau khi Thông tư 36 ra đời, quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 60%, ngay lập tức tăng trưởng tín dụng năm 2015 đạt đến 18%, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, vốn trung, dài hạn được cởi trói lại chỉ dành cho lĩnh vực BĐS.
Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 nhằm điều chỉnh dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Thông tư này không có nghĩa là siết chặt hay nới lỏng vốn tín dụng vào lĩnh vực BĐS, mà nhằm tăng cường kiểm soát khả năng thanh khoản và rủi ro trong hoạt động cho vay cũng như khuyến khích các NH đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn, qua đó tăng nguồn vốn cho vay này. Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh Thanh tra giám sát NHNN |
Theo thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS năm 2015 lên tới 25,68%, cao hơn 8,42% so với tốc độ bình quân của nền kinh tế. Trong tổng dư nợ, tín dụng BĐS chiếm đến 10,3%, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng cũng như ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống, vì vốn vay BĐS thường là trung và dài hạn, còn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn.
Trước năm 2010, các NHTM vẫn được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Thời điểm đó, tín dụng đã tăng trưởng ở mức 20-30%, trong đó một số NH đã mạnh tay cho vay BĐS với thời hạn dài. Khi xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng nóng và bong bóng BĐS, đầu năm 2010 tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được điều chỉnh giảm xuống 30%, đã giúp thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản các NH dồi dào hơn. Vì thế, nhiều chuyên gia lo ngại việc nới room ở mức 60% có thể tạo ra bong bóng như thời kỳ trước.
Trong năm 2015, sau khi được hỗ trợ, lĩnh vực BĐS có tín hiệu phục hồi nhưng thống kê giá trị tồn kho của 55 doanh nghiệp (DN) BĐS niêm yết đạt gần 91.000 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 3 năm gần đây (chưa bao gồm chi phí xây dựng cơ bản dài hạn gần 31.000 tỷ đồng, tương ứng tăng đến 93% so với cùng kỳ năm trước). Song song đó, tổng nợ phải trả của các DN tại thời điểm 31-12-2015 đạt gần 179.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cuối năm 2014.
Kỳ vọng vốn chảy vào sản xuất
Cũng theo NHNN, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế công bố cuối tháng 11-2015, so với cuối năm 2014 tăng trưởng tín dụng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp chỉ đạt 17,36%; công nghiệp 6,3%; hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông 9,17%. Như vậy năm qua dù đứng trước cơ hội lớn, nhưng DN trong lĩnh vực nông nghiệp không thể tiếp cận được tín dụng NH, nên không có vốn đầu tư phát triển quy mô lớn và áp dụng công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến, đóng gói, tiêu thụ nông sản.
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty Sản xuất thanh long sấy dẻo Bé Dũng, khi tỉnh Bình Thuận phát triển cây thanh long ồ ạt nhưng giá cả bấp bênh, nên công ty đã đầu tư công nghệ sạch chế biến thanh long sấy dẻo xuất khẩu. Tổng số vốn đầu tư cho dây chuyền này 20 tỷ đồng công ty phải tự xoay xở do không NH nào đồng ý cho vay.
Tương tự, ông Võ Phát Triển, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức, cho biết năm ngoái ông đã phải từ chối đơn hàng lớn từ Đức vì thiếu vốn đầu tư máy móc công nghệ sạch theo tiêu chuẩn của các nước châu Âu. Một DN sản xuất chè cũng cho biết công ty vay vốn tại 3 NH gần 100 tỷ đồng nhưng chủ yếu là vốn lưu động.
Mặc dù có doanh thu đạt 150 tỷ đồng và xuất khẩu sang 24 quốc gia, nhưng khi có nhu cầu đổi mới quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, công ty xin vay tín chấp trung vài dài hạn 5 tỷ đồng để đầu tư thiết bị nhưng NH từ chối. Lãnh đạo một công ty sản xuất bao bì nhựa bức xúc vì khó vay vốn nên nhiều DN trong ngành đã không thể nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, dẫn đến doanh thu năm 2015 không đạt kế hoạch đề ra.
Năm qua chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được vốn NH. Nguyên nhân chủ yếu do đa số DN thiếu tài sản đảm bảo, tài chính không minh bạch, độ khả thi của dự án không cao… Vài năm gần đây, cơ quan quản lý, NHTM và DN liên tục gặp gỡ trao đổi và hứa hẹn hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, tuy vậy vẫn chỉ dừng ở lời hứa hẹn.
Vì thiếu vốn nên hiện nay cả nước có gần 600.000 DN với hơn 90% là DNNVV chủ yếu áp dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Trong đó có đến 76% số máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc thế hệ những năm 60-70 của thế kỷ trước; 75% số thiết bị đã hết khấu hao. Điều này tạo ra rào cản hút vốn từ các khoản đầu tư tài sản cố định cho sản xuất kinh doanh so với kênh BĐS, ảnh hưởng đến việc cải thiện năng lực cạnh tranh của DN. Năm 2015 có tới trên 80.000 DN phải đóng cửa, trong đó gần 9.500 DN bị xóa sổ hoàn toàn.
Trong khi nhiều chủ đầu tư BĐS phản ứng với Thông tư 36, thì cộng đồng DN đang kỳ vọng thông tư này có thể nắn dòng vốn tín dụng chảy vào sản xuất, đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, khoa học công nghệ để tạo sức bật về năng lực sản xuất, đổi mới sản phẩm, gia tăng cạnh tranh… trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]