Mặc dù một số quy định liên quan đến sở hữu cổ phần ở các ngân hàng (NH) đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2011, song đến nay nhiều trường hợp, cá nhân nắm cổ phần vượt tỉ lệ sở hữu tại nhiều NH chưa có động thái thoái vốn.
Lách luật, phạt nặng
Theo thống kê của NH Nhà nước (NHNN), hiện có năm NH thương mại (TM) có cá nhân sở hữu tỉ lệ cổ phần vượt 5% vốn điều lệ. Năm NH có tổ chức sở hữu tỉ lệ vượt 15% vốn điều lệ. Ngoài ra có tám NH có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ 20% vốn điều lệ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá nhân thao túng, chi phối NH phục vụ lợi ích của cổ đông lớn trong thời gian qua.
NHNN vừa lấy ý kiến dự thảo lần ba thông tư hướng dẫn, xử lý việc sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định và hạn chót buộc các NH phải xử lý tình trạng này là cuối quý I-2015 đối với các trường hợp phát sinh trước 1-1-2011 (trước ngày có quy định - PV).Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, trong đề án tái cơ cấu hệ thống, NHNN có yêu cầu các NH phải nêu rõ lộ trình thực hiện việc thoái vốn với các trường hợp vượt trần. “Thời gian thoái vốn với các trường hợp này tùy vào đề án tái cấu trúc nhanh hay chậm của mỗi NH nhưng không được quá thời gian mà NHNN quy định” - ông Minh nói.
Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, thực tế con số cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ cho phép nhiều hơn con số chúng ta biết. Trong thời gian qua ở một số NH đã xuất hiện tình trạng thoái vốn. Vì vậy cần phải thận trọng kiểm soát, thanh tra thật tốt, nếu không sẽ khó tránh được tình trạng lách luật.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cho biết NHNN đã tính toán mọi khả năng giám sát từ đề án đến lúc thực hiện và quản lý chặt hoạt động chuyển nhượng, cho tặng cổ phần… Nếu có tình trạng lách luật sẽ bị xử phạt nặng.
TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia tài chính cho rằng xử lý tình trạng nắm giữ tỉ lệ vượt quy định là việc rất đáng thực hiện nhưng phải có quyết tâm chính trị lớn để tránh những người lách luật.
Giúp người có cổ phần vượt trần khắc phục
TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Sắp tới, nhiều cá nhân, tổ chức nắm giữ tỉ lệ vượt quá mức quy định sẽ buộc phải thoái vốn. Vấn đề là liệu chúng ta có kiểm soát hết được hay không. “Việc xử phạt thế nào còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, cá nhân đó là ai, người liên quan đó thế nào... tùy vào mức độ phức tạp của vấn đề giải quyết” - ông Ánh bày tỏ.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng để thực hiện được việc xử phạt cần có sự hướng dẫn, kèm theo các gợi ý và các chế tài cụ thể. Việc xử lý nắm giữ vượt tỉ lệ quy định không phải dễ dàng nên phân loại ra từng nhóm, từng đối tượng sao cho càng đi vào chi tiết càng tốt. Chẳng hạn, tại NH A, nếu một cá nhân là thành viên HĐQT đã sử dụng hết tỉ lệ phần trăm cổ phần cho phép nhưng vợ, con… thậm chí là đến người giúp việc cũng nắm giữ cổ phần thì cần được nghiên cứu kỹ. Tùy vào trường hợp mà mức độ xử phạt cũng khác nhau. “Tuy nhiên phải mở đường cho người vượt trần có thể khắc phục hậu quả chứ không quản lý với tính chất hành chính” - ông Doanh nói.
Phải có những giới hạn để họ không dùng tỉ lệ phần trăm vượt trần để lũng đoạn tài chính. “Bài học từ Canada, mặc dù là quốc gia đứng cạnh Mỹ nhưng lại không bị khủng hoảng tài chính, bởi luật về sở hữu tỉ lệ cổ phần trong NH rất chặt. Nếu nghi ngờ và phát hiện ra có tình trạng này, cá nhân, tổ chức sẽ bị truy và xử phạt rất nặng” - ông Doanh nói.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]