Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 2015, dự kiến 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá đầu vào thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và sự cải thiện tổng cầu, sức mua ở thị trường trong nước, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu tăng…
Riêng khu vực nông lâm thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến tăng trưởng của khu vực này giảm do giá cả nông sản của thế giới được dự báo vẫn theo xu hướng giảm, gây khó khăn cho đầu ra nông sản của Việt Nam, đặc biệt khi sức cạnh tranh của nông phẩm xuất khẩu vẫn còn yếu.
Hoạt động của doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do khả năng cạnh tranh thấp.
Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ thiên tai và dịch bệnh bùng phát, là những yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế nước ta những tháng cuối năm 2015.
Đi sâu vào những chỉ tiêu cụ thể của năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,4%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đặt ra là 6,2%. Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 1,5-2%, thấp hơn nhiều mục tiêu đặt ra là 5%.
Ngoài ra, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra là 10%, còn nhập siêu ở mức 3,6%, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu (5%).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đặt ra cho năm 2015, dự kiến có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 6 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Đó là tỷ lệ che phủ rừng do đánh giá lại điều kiện thực tế về quỹ đất còn lại và diện tích rừng, một phần đất rừng bị chuyển đổi sang các mục đích khác, bị cháy hoặc bị chặt phát.
Giá dầu mỏ xuất khẩu của nước ta bình quân 8 tháng đầu năm khoảng 60 USD/thùng, giảm 40 USD/thùng so với giá dự toán. Dự báo 4 tháng cuối năm giá dầu mỏ xuất khẩu của nước ta khoảng 50 USD/thùng và bình quân cả năm 2015 khoảng 56,7 USD/thùng.
Mặc dù giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng thu ngân sách nhà nước nhưng Chính phủ đã có các giải pháp ứng phó để bảo đảm tổng thu ngân sách nhà nước không bị giảm và bảo đảm thực hiện dự toán thu chi theo đúng kế hoạch đề ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ có tác động không lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta. Theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có thể tăng thêm khoảng 0,04% năm 2015 và tăng thêm 0,08% trong năm 2016.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do ta đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và điều chỉnh giảm giá VND để thúc đẩy xuất khẩu.
Nước ta nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, máy móc thiết bị. Do vậy việc phá giá đồng Nhân dân tệ cùng với giá xăng, dầu xuống thấp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, hàng hóa nước ta sẽ gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là mặt hàng tiêu dùng.
Theo tính toán của các chuyên gia, tác động của việc phá giá đồng Nhân dân tệ và biến động giá dầu vừa qua không ảnh hưởng đến tăng trưởng, giá dầu giảm, thậm chí còn giúp tăng trưởng cao hơn nếu chúng ta biết tận dụng các cơ hội mà nó đem lại đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]