Ảnh minh họa
Đó là ý kiến của TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng.
Mặc dù đã quá chậm nhưng VAMC cũng đã mua được 49.000 tỷ đồng nợ xấu. Việc chuẩn bị bán ra khoảng 1/6 khối nợ đó, một cách “từ tốn” như khi mua, liệu có thể nói là do VAMC hiện vẫn đang vướng một số vấn đề chưa xử lí được?
Theo tôi được biết VAMC đang vướng mắc hai vấn đề. Thứ nhất gom về rồi thì VAMC cũng đang chưa biết nên và được bán với giá nào, đồng thời là bán cho ai. Từ đó cho thấy Chính phủ, NHNN thực sự cần phải tạo ra cơ chế để mua bán nợ. Cơ chế sao cho có hiệu quả nhất. Ở Hàn Quốc và Malaysia trước đây đã xây dựng cơ chế đó và tiến hành hiệu quả, với giá bán có thể thấp hơn giá đã mua. Ngoài ra liên quan đến xử lí tài sản đảm bảo. Hiện nay Luật của VN không cho phép nước ngoài được sở hữu tài sản bất động sản ở VN.
- Do VAMC mua bán nợ bằng trái phiếu, nên có thể hy vọng mặc dù vốn điều lệ hẹp, song VAMC vẫn sẽ thừa sức để mua tiếp các khoản nợ xấu đang có trên thị trường, song song với nghiên cứu và triển khai quy trình bán nợ?
Tôi cho rằng VAMC phải nghiên cứu tăng vốn điều lệ lên khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặc dù VAMC áp dụng phương pháp mua nợ bằng trái phiếu, không cần dùng 2.000 tỷ đồng để mua nợ xấu nhưng khi vốn điều lệ của họ được tăng lên thì tiềm lực tài chính, độ tin cậy của họ với nhà đầu tư cũng tăng lên. Đặc biệt về lâu dài nếu Nhà nước muốn có một hình thức xử lí nợ xấu, chẳng hạn như chứng khoán hóa, thì niềm tin của nhà đầu tư đối với VAMC càng phải được tăng cường.
- Nhiều nhà đầu tư ngoại băn khoăn về giá mua nợ từ VAMC. Người mua tất nhiên muốn mua giá thấp theo giá thị trường và với mức giá VAMC đã mua 70% giá trị sổ sách các khoản nợ, nếu bán thấp hơn có khả năng VAMC sẽ chịu lỗ. Ai sẽ gánh lỗ này?
Trong chuyện liên quan đến xử lí nợ xấu, phải nhiều bên cùng chịu. Chính phủ, ngân hàng, người đi vay đều phải gánh chịu một phần như một cách chia sẻ tổn thất. Nếu không chấp nhận bán với giá thị trường thì sẽ rất khó bán, bởi giá trước đây chúng ta mua là theo giá sổ sách, chưa phản ánh hết được các khó khăn và yếu tố chất lượng của khoản nợ xấu đó. Kinh nghiệm của các nước đều phải chấp nhận bán chỉ ở mức giá 30-40% để xử lí nợ xấu.
- Đổi lại, nếu VAMC được mua theo giá thị trường và tổ chức tín dụng phải chấp nhận bán với giá trị trường, có khả năng sẽ giảm thiểu lỗ và tăng sức hấp dẫn của các khoản nợ xấu?
Thực tế VAMC khi ra đời cũng đã có hai phương án: Một là mua theo giá thị trường, hai là mua theo giá sổ sách. Nhưng tại thời điểm đó có lẽ chúng ta làm hơi chặt quá. Khi mua theo giá thị trường thì phải xin ý kiến Chính phủ, các thủ tục theo đó sẽ thực hiện rất lâu. Do đó quan điểm của tôi và cũng là một cách tháo gỡ là nên cho phép VAMC mua theo giá thị trường.
- Giá thị trường của nợ xấu thường được đánh giá dựa trên các yếu tố nào, thưa ông? Và thông lệ quốc giá thì nợ xấu được giá trị nợ xấu được mua ở mức cao nhất là bao nhiêu?
Tùy vào ba điều kiện: 1, Thủ tục pháp lí khoản nợ; 2, Chất lượng tài sản đảm bảo; 3, Dòng tiền còn lại của khoản nợ xấu. Thông thường chỉ được 30-50% giá trị.
- Liệu nợ xấu VN có khả năng đạt mức giá đó?
Với 30-40% chiết khấu giá, chắc chắn nợ xấu VN rất… hấp dẫn. Có khoảng 60-70% nhà đầu tư đang quan tâm mua nợ xấu của VN, vấn đề chỉ còn là giá bao nhiêu. Nếu chúng ta bán với giá 70% - mức giá mà VAMC trước đây đã mua và nay đang chào, thì mức giá đó đối với họ không hấp dẫn, thậm chí tương đối cao, vì họ biết rằng chất lượng các tài sản không phải là hoàn toàn tốt.
- Việc bán khoản nợ qua một quỹ có tạo điều kiện các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp được tái cơ cấu tài sản nợ đã mua, theo ông?
Theo tôi cần linh hoạt. Có những khoản nợ đã mua trực tiếp, không liên quan nhiều đến tài sản bất động sản tại VN thì nhà đầu tư nước ngoài có thể trực tiếp tái cơ cấu, còn nếu là tài sản bất động sản tại VN thì có thể thông qua một quỹ để quỹ thay mặt nhà đầu tư nước ngoài quản lí quỹ đó tại VN. Khi luật pháp chưa cho phép thì thông qua bên thứ ba là hợp lí. Đó cũng là kinh nghiệm Hàn Quốc đã làm tương tự cách đây khoảng 15 năm.
- Vì sao VAMC không thực hiện đấu giá? Và điều đó có đảm bảo minh bạch, thưa ông?
Đây mới là bước thí điểm, nên là quá trình thuận mua vừa bán trước tiên. Về lâu về dài thì sẽ bán đấu giá. Ổn rồi, mới bắt đầu triển khai rộng rãi.
Với nhà đầu tư nước ngoài, không minh bạch họ sẽ không mua. Thứ hai, giá bán cũng được công khai vì nhà đầu tư nước ngoài cũng phải công khai với cổ đông của mình, thậm chí họ cũng phải bán lại cho nhà đầu tư khác.
- Liên quan đến vấn đề giá và định giá, ông có cho rằng hợp tác với một vài đơn vị trung gian là đủ?
Để tiếp cận một tài sản đảm bảo, nhà đầu tư cần thời gian thẩm định. Chúng tôi đang khuyến nghị thành lập tổ chức định giá độc lập, định giá tài sản đảm bảo, tạo chuẩn về giá cho nhà đầu tư nước ngoài tham khảo. Đơn vị này tất nhiên cần có những đại diện chuyên nghiệp, đáng tin cậy, đó có thể là những tổ chức, các ngân hàng đầu tư nước ngoài. Điều đó vừa tạo niềm tin, đưa ra cách làm bài bản, tránh những thất bại không cần thiết, đồng thời cũng tạo áp lực thay đổi. Trên cơ sở định giá, họ có thể tư vấn cho Chính phủ chấp nhận bán nợ xấu ở một mức giá thấp hơn giá mua, nhưng tư vấn đó là khách quan thì dễ thuyết phục thay đổi.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]