Nhà đầu tư phản ứng thái quá
Sau một số phiên thị trường có chiều hướng đi xuống gần đây, anh Minh - nhà đầu tư tại sàn chứng khoán SJCS - cho biết đang cân nhắc chờ thị trường tích cực hơn. Tuy nhiên sáng 8-5, khi thông tin về tình hình căng thẳng trên biển Đông lan rộng, anh Minh đã quyết định bán hết số cổ phiếu trong tài khoản do lo ngại thị trường sẽ tiếp tục giảm thêm. Tương tự, chị Thủy - một nhà đầu tư tại sàn Rồng Việt - cho biết cũng quyết định cắt lỗ do thấy nhiều người bán ra.
“Hầu hết nhà đầu tư đặt lệnh bán đều cho biết lo ngại tình hình căng thẳng trên biển Đông diễn biến phức tạp hơn” - ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJCS, nói. Theo ông Tuấn, phần lớn những người phản ứng thái quá với thông tin về biển Đông và bán ra chứng khoán đều là các nhà đầu tư trong nước. Một số nhà đầu tư khi thấy nhiều cổ phiếu trụ cột quay đầu giảm mạnh cũng nóng ruột nên đặt lệnh bán, tạo ra làn sóng bán tháo.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng sự kiện biển Đông chỉ tác động một phần đến thị trường, chính tâm lý đám đông của nhiều nhà đầu tư cá nhân khiến thị trường giảm sâu. “Tôi cho rằng nhà đầu tư đã phản ứng quá mức cần thiết, bởi sự kiện biển Đông không tác động nhiều đến chứng khoán như nó đã diễn ra” - ông Hiển nói.
Trong thông báo trưa 8-5, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) nhận định thị trường sụt giảm mạnh có thể do tác động tâm lý từ thông tin về biển Đông, đồng thời cảnh báo nhà đầu tư thận trọng, tránh bị lợi dụng. SSC cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường, xử lý nghiêm khắc các hành vi làm giá, thao túng thị trường.
Dòng tiền vẫn đổ vào chứng khoán
Cũng theo nhận định của SSC, kinh tế vĩ mô vẫn đang ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả sản xuất kinh doanh sơ bộ quý 1-2014 của các công ty niêm yết đã công bố cho thấy tình hình khả quan hơn, tỉ lệ doanh nghiệp bị lỗ đã giảm. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài quý 1 đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục mua ròng trong thời gian gần đây.
Thực tế trong phiên ngày 8-5, ngược với hiện tượng đua nhau bán ra của các nhà đầu tư trong nước là động thái mua vào khá mạnh tay của khối ngoại. Giá trị mua vào trong ngày 8-5 đã lên đến 481,75 tỉ đồng, tăng 124,77% so với phiên trước đó. Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, giá trị mua ròng của khối ngoại trong phiên này khoảng 243,44 tỉ đồng. Trước đó trong tháng 4-2014, xu hướng giao dịch chủ đạo của khối ngoại cũng là mua ròng.
Ông Phan Dũng Khánh, trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng khối ngoại mua mạnh khi thị trường giảm điểm sâu là một dấu hiệu tốt của thị trường, bởi họ đã phân tích các yếu tố tác động đến thị trường trước khi quyết định mua hay bán. Ông Khánh kỳ vọng động thái của khối ngoại sẽ góp phần trấn an tâm lý cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước ở những phiên tới.
Ông Lê Chí Phúc, giám đốc đầu tư SGI Capital, khẳng định tác động từ những xung đột ngoài biển Đông lên tình hình kinh tế rất ít, chứng khoán càng không bị ảnh hưởng. Philippines là một ví dụ, dù có nhiều căng thẳng với Trung Quốc thời gian qua nhưng chứng khoán của Philippines vẫn tăng gần 70% trong hai năm gần đây. “Thực tế các thị trường tài chính, tiền tệ khác vẫn đang hoạt động bình thường. Chứng khoán Trung Quốc hôm nay vẫn tăng 1%, chứ không bán tháo hay sụt giảm như chứng khoán VN” - ông Phúc nói.
*Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI (phó chủ tịch Hiệp hội Những nhà đầu tư tài chính VN - Vafi):
Nhà đầu tư trong nước bán, nước ngoài mua
Chuyện căng thẳng trên biển Đông đang được các bên giải quyết bằng đường ngoại giao, phía VN vẫn đang kiềm chế và tôi cho rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Do đó, những phản ứng thái quá của nhà đầu tư là không cần thiết, bởi mọi hoạt động của nền kinh tế nói chung và bản thân từng doanh nghiệp nói riêng vẫn bình thường, chưa kể nền kinh tế đang dần tốt lên.
Tuy nhiên, sự lao dốc của thị trường phiên này một lần nữa cho thấy cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán VN có vấn đề, đó là có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ tham gia thị trường, hiện ước tính khoảng 80-90%, trong khi rất ít các nhà đầu tư tổ chức. Một khi có thông tin bất lợi nào đó, các nhà đầu tư cá nhân sẽ bị tác động tâm lý và đua nhau bán tháo. Trong khi đó, những nhà đầu tư tổ chức sẽ bình tĩnh hơn, phân tích đầy đủ những tác động trước khi có động thái mua vào hay bán ra. Động thái mua ròng của khối ngoại trái ngược với xu hướng bán tháo của nhà đầu tư nội phiên này là một ví dụ.
*Ông NGUYỄN HỒNG NAM (phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán SSI):
Cơ hội mua cổ phiếu tốt giá thấp
Bên cạnh phản ứng của một số nhà đầu tư đối với thông tin về tranh chấp trên biển Đông, các nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều cũng đổ ra bán càng khiến thị trường giảm sâu. Tuy nhiên, theo tôi, đây là những phản ứng thái quá bởi các tranh chấp vẫn đang được giải quyết bằng con đường ngoại giao, trong khi tình hình kinh tế trong nước và hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định.
Dù vậy, sau một thời gian dài tăng điểm, việc chứng khoán giảm mạnh cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư đang có tiền và nhận định tình hình thị trường một cách bình tĩnh hơn. Thực tế cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài phiên này mua ròng rất mạnh, trong đó những nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản tại SSI đã mua ròng hơn 100 tỉ đồng. Bản thân Công ty chứng khoán SSI cũng mua vào những cổ phiếu tốt với giá thấp.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]