Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về các giải pháp phát triển kinh tế, đặc biệt trước những diễn biến hiện nay trên Biển Đông
PV:Thưa ông, với những gì đang diễn ra, nhiều người cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh lộ trình xây dựng một nền kinh tế độc lập, không lệ thuộc quá mức vào bất kỳ nước nào, đặc biệt là Trung Quốc?
Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta luôn luôn là nền kinh tế độc lập, đừng bao giờ quá tin cái gì đó, thị trường là thế. Hôm nay là bạn hàng, nhưng ngày mai không phải bạn hàng nữa, theo lợi ích thôi. Đó là chuyện bình thường. Trong cơ chế kinh tế bình thường thì chuyện bạn hàng cũng chỉ là vì lợi ích là chính. Chúng ta không nên nghĩ chỉ duy nhất xuất hàng hóa sang Trung Quốc mà có thể tìm thị trường khác.
PV: Một số ý kiến cho rằng chính sách kinh tế hiện nay phải đặt trong trạng thái động, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phùng Quốc Hiển: Nền kinh tế là phải độc lập, chủ quyền, nhưng phải hội nhập, đan xen, các nước cũng lệ thuộc lẫn nhau. Trong một chuỗi giá trị thì mỗi anh ở một khâu nào đó, khi một anh ảnh hưởng, tất cả đều ảnh hưởng, không thể đứng một mình được. Nhưng chúng ta vẫn phải có chủ quyền độc lập của ta. Để nếu khi gặp khó khăn chúng ta vẫn đảm bảo xử lý, hoạt động ổn định. Tất nhiên nếu bế quan toả cảng thì tất cả đều khó khăn.
PV: Hiện nay nhiều mặt hàng chúng ta đã sản xuất được nhưng vẫn tràn ngập hàng Trung Quốc, như quần áo, hoa quả. Việt Nam cần có chiến lược, hàng rào kỹ thuật… để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
Ông Phùng Quốc Hiển: Việt Nam đã tham gia WTO, sắp tới là TPP… nên phải chấp nhận nền kinh tế mở, thương mại tự do, không rào cản nên phải rất hạn chế việc xử lý hành chính, chỉ có thể sử dụng những công cụ như thuế. Nhưng thuế cũng phải theo quy định chung của WTO chứ không phải tự do. Hàng rào kỹ thuật cần thiết nhưng chỉ ở mức độ nhất định, lúc nào cũng tạo hàng rào thì họ cũng làm vậy. Trong khi đó, mình mới vào kinh tế thị trường, cái gì cũng yếu hơn. Chỉ khi mạnh chúng ta mới áp đặt được các hàng rào kỹ thuật.
Trong nền kinh tế thị trường, không phải cái gì cũng làm, cái nào có lợi thế thì làm. Làm tất cả các thứ chưa chắc đã hiệu quả, phải theo phân công lao động xã hội. Bây giờ, phân công lao động xã hội không chỉ trong một nước mà giờ là trên toàn thế giới. Việc tự làm hết là nền kinh tế tự cung, tự cấp… đã qua thời đó rồi. Ngày hôm nay, chặn chỗ này chúng ta đi chỗ khác. Thế giới bao la, thiên hạ mở… sao phải chui vào 1 chỗ.
PV: Với dệt may, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đón đầu TPP, thay vì trước đây mình nhập khẩu nguyên liệu thì nay họ sang trực tiếp sản xuất tại Việt Nam?
Ông Phùng Quốc Hiển: Thực ra các nước, không riêng gì Trung Quốc, đều có chiến lược của họ, đón đầu, đi tắt… Quan trọng nhất là chúng ta phải có chiến lược của chính mình. Điều đáng tiếc với Việt Nam là liên tiếp gặp phải bài học cũ, mà không rút ra được cái gì mới. Ví dụ như dưa hấu, tại sao bao nhiêu năm cứ đến mùa lại xếp hàng, ứ đọng, mà chẳng có cách gì mới.
PV: Theo ông, đến thời điểm này chúng ta cần có những kịch bản như thế nào cho nền kinh tế trước tình hình biển Đông?
Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta luôn luôn phải có nhiều phương án và đều đã có phương án, không ai ngồi khoanh tay nhìn.
Kinh tế luôn phải gắn với quốc phòng an ninh, chỉ khi chúng ta đảm bảo được chủ quyền quốc gia, đất nước, an ninh quốc phòng thì kinh tế mới phát triển được. Trong điều kiện hiện nay, phải có biện pháp hỗ trợ ngư dân. Đó là những cột mốc chủ quyền sống của chúng ta. Trong bối cảnh hiện nay, có thể có những chính sách rộng hơn, tạo mọi điều kiện cho người dân để họ vừa làm kinh tế trên biển vừa bảo vệ chủ quyền đất nước.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]