Để làm được điều đó, NHNN đã kiên quyết thực hiện các giải pháp đề ra, đồng thời điều hành nhịp nhàng trong mua - bán, can thiệp thị trường ngoại tệ. Ngay cả khi thị trường có những thông tin, những nhận định có xu hướng trái chiều hoặc bất lợi, tác động đến điều hành chính sách tỷ giá thì NHNN vẫn kiên định với mục tiêu ban đầu.
Thực tế cho thấy, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhiều, đến nay đã đạt mức kỷ lục là trên 35 tỷ USD. Thị trường vàng cũng từng bước được sắp xếp và đổi mới căn bản, đã loại bỏ được rủi ro liên quan đến vàng và cơ bản chấm dứt tình trạng “vàng hóa”, qua đó góp phần ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc kiểm soát được giá vàng và thị trường vàng là một bước tiến đáng kể của NHNN để kiểm soát được ổn định hệ thống tài chính. Rủi ro liên quan đến kinh doanh vàng của các TCTD về cơ bản đã được xóa bỏ. Tâm lý muốn găm giữ và hoạt động đầu cơ vàng trong dân chúng đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, hệ quả của quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa qua có thể sẽ gây ra áp lực cho thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng các tháng sắp tới. Các số liệu mới nhất cho thấy tính đến ngày 25-12-2014, tín dụng ngoại tệ đã tăng 12,8% so với cuối năm 2013. Do khả năng NHNN giảm giá tiếp tiền đồng trong ngắn hạn thời gian tới không còn nhiều nên các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động vay ngoại tệ trong thời gian tới nhằm hưởng mức lãi suất cho vay thấp (khoảng 4-7%) trong khi không phải lo ngại về rủi ro tỷ giá.
Ở chiều ngược lại, huy động tiền gửi ngoại tệ có thể sẽ có sự sụt giảm do người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh bán đô la đổi lấy tiền đồng nhằm hưởng lãi suất tiết kiệm cao hơn khi không còn tâm lý đầu cơ găm giữ. Như vậy, xu hướng ngược chiều giữa huy động và cho vay bằng đô la Mỹ nhiều khả năng sẽ ngày càng mở rộng, tạo áp lực lên thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống.
Hiện nay, xu hướng tín dụng ngoại tệ tăng đang dần quay trở lại. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do lãi suất cho vay bằng tiền đồng đang cao hơn lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ trong khi rủi ro tỷ giá ở mức khá thấp, dễ dự đoán nên có thể lập kế hoạch phòng ngừa trước. Đến đây lại quay trở về định hướng phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng, không những để kích thích tăng trưởng tín dụng mà còn để phòng ngừa tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Tín dụng ngoại tệ thời điểm hiện tại có thể mang lại lợi ích rất nhanh đồng thời cũng có thể mang lại rủi ro cho người vay nó bất cứ lúc nào. Hiện nay, lãi suất vay USD chỉ bằng nửa so với lãi suất tiền đồng, cùng với tỷ giá ngoại hối ổn định nên các doanh nghiệp có xu hướng vay ngoại tệ là điều bình thường. Khi đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ thấp, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh tăng lên. Doanh nghiệp một mặt vay USD, một mặt có thể gửi VND tiết kiệm hưởng chênh lệch giá.
Tuy nhiên, khi tỷ giá biến động do các yếu tố khách quan theo xu hướng VND mất giá thì doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro thanh khoản, đặc biệt là với các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ.
Cũng có ý kiến cho rằng mức tăng 12,8% của tín dụng ngoại tệ hiện chưa đáng ngại do dư nợ ngoại tệ mới chỉ chiếm khoảng 12-13% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nhưng nếu quy mô các khoản vay bằng ngoại tệ tiếp tục tăng trong khi huy động đầu vào sụt giảm thì sẽ đến một thời điểm nào đó khi kỳ vọng về việc điều chỉnh tỷ giá quay trở lại, áp lực “cover” (bù đắp trạng thái) có thể sẽ lớn hơn nhiều so với lần điều chỉnh vừa qua khi cộng hưởng từ lực mua của cả doanh nghiệp lẫn các ngân hàng thương mại. Liệu đến khi đó, biên độ điều chỉnh 2% cho năm 2015 có còn đáp ứng đủ kỳ vọng của thị trường?
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]