Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng gồm 15 thành viên là các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đang làm việc trong và ngoài nước.
Tổ Tư vấn kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Bên cạnh đó, phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra...
Trả lời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn cho biết, hiện nay tính chất của nền kinh tế đã phức tạp hơn trước rất nhiều.
Do vậy, yêu cầu của Thủ tướng là làm sao có thêm nhiều kênh thông tin tốt nhất, cập nhật nhất, tranh thủ được sự vào cuộc của giới khoa học, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khoa học, kể cả ý kiến mang tính phản biện chính sách, giúp Thủ tướng có cái nhìn toàn diện hơn trước khi quyết định.
"Thủ tướng đã nói các chuyên gia bất kỳ lúc nào cũng có thể gửi ý kiến trực tiếp cho Thủ tướng hoặc thông qua Tổ trưởng Tổ tư vấn. Đương nhiên, những vấn đề mang tính dài hạn hoặc những vấn đề có tính phức tạp đòi hỏi phải phân tích sâu và có thực chứng thì phải thông qua Tổ và trao đổi kỹ trong Tổ", ông Ngoạn nói.
Ông Ngoạn cũng cho biết, khác với các cơ quan có chức năng tham mưu chính sách theo luật định, tất cả đề xuất, kiến giải của Tổ tư vấn, bao gồm nhận diện vấn đề, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp đều phải dựa trên thực chứng, có hàm lượng khoa học.
Vị này lấy ví dụ, hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn, nhưng Tổ phải kiến nghị rõ là khó khăn gì, nguyên nhân ở đâu chứ tư vấn chung chung là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì vô nghĩa.
Cụ thể, ông Ngoạn cho biết, khi Thủ tướng làm việc với Tổ vừa qua, Tổ cũng đã đưa ra một số kiến nghị với những tính toán định lượng cụ thể như việc nhận thấy tỷ lệ doanh nghiệp đóng thuế trên tổng số doanh nghiệp hoạt động đang giảm sút.
"Rồi chi phí của doanh nghiệp cao nhưng ở khâu nào, công cụ chính sách nào có thể sử dụng. Giảm 1% chi phí thì lợi nhuận doanh nghiệp tăng bao nhiêu, tạo cơ hội để doanh nghiệp tăng đầu tư mở rộng bao nhiêu, qua đó giúp GDP tăng thêm bao nhiêu? Đây là điểm khác so với báo cáo mang tính truyền thống", ông Ngoạn nói.
Về những vấn đề dài hạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn cho biết Tổ sẽ có chương trình để các chuyên gia chủ động nghiên cứu, từ đó hình thành các báo cáo chuyên đề. Các kiến nghị phải dựa trên kết quả nghiên cứu chuyên sâu, kinh nghiệm quốc tế, đặc điểm văn hóa và ứng xử của thị trường tại Việt Nam…
Ông Ngoạn thông tin, một chủ đề mà Tổ dự kiến sẽ nghiên cứu là làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút được dòng vốn FDI đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác.
Liên quan tới giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP, Tổ trưởng Tổ tư vấn cho biết: Vừa qua trong Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng mục tiêu tăng GDP theo hướng linh hoạt, khoảng 6,4-6,8%.
"Đây là điểm rất mới và trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng việc đưa ra một biên độ linh hoạt hơn là rất phù hợp", ông Ngoạn nói.
Một vấn đề khác là có nên tăng trưởng quá cao, quá nhanh không? Vậy thế nào là quá cao? Theo ông Ngoạn, với kinh tế việt Nam hiện nay, dư địa để tạo ra chuyển biến thêm 0,3-0,5 điểm phần trăm tăng trưởng để đạt khoảng 6,7-6,8% trong vòng 1-2 năm không phải quá khó.
"Tuy nhiên, phải nói rõ thêm dư địa kích cầu không còn nữa", ông Ngoạn nhấn mạnh. Thay vào đó, theo ông Ngoạn có một số yếu tố nếu làm quyết liệt có thể cải thiện.
Thứ nhất là khối lượng tài sản của doanh nghiệp nhà nước, hiện rất lớn, hiệu quả không cao, cần tập trung thực hiện dứt điểm các giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra để đẩy mạnh thoái vốn nhà nước. Thực chất đây là phân bổ lại nguồn lực, chuyển nguồn lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân hiệu quả hơn. Còn các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa hoặc có chủ trương giữ lại thì phải nâng cao trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo doanh nghiệp, công khai minh bạch như với các công ty đại chúng. Khi đó, xã hội sẽ giám sát và hình thành lực đẩy. Phải thay lực kéo của bộ máy hành chính bằng lực đẩy của xã hội, quốc gia nào cũng vậy, đó là triết lý trong quản trị nhà nước.
Nữa là điểm nghẽn giải ngân. Mỗi một tỷ USD đưa vào đầu tư sẽ đóng góp 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng, chúng ta hiện còn lượng tiền khá lớn vốn đầu tư phát triển chưa được giải ngân do một số điểm nghẽn, đó là chưa kể có tới hơn chục tỷ USD vốn ODA chưa được sử dụng. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng còn nhiều dư địa. Nếu tập trung giải quyết một số điểm nghẽn cho doanh nghiệp thì khu vực này cũng có thể đóng góp thêm cho tăng trưởng.
"Chúng ta có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng 7-7,5% trong lâu dài, nhưng động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước và khai thác tài nguyên. Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tăng trưởng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phải chạy đua với thời gian", Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cho biết.