Lãi suất cho vay và lãi suất huy động chênh 4 -5%
Chiều ngày 17/3, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định giảm lãi suất huy động tiền đồng dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống còn 6%/năm. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 9% xuống còn 8%/năm.
Trong khi lãi suất huy động giảm, ngược lại lãi suất cho vay vẫn đang giữ ở mức cao. Cụ thể, tại các ngân hàng quốc doanh, mức cho vay ngắn hạn từ 9-10%/năm, còn lãi suất huy động ngắn hạn chỉ từ 5-5,8%/năm, chênh lệch giữa hai mức lãi suất này khoảng 3% - 5%.
Tại các ngân hàng cổ phần, lãi suất cho vay ngắn hạn 3-6 tháng phổ biến 10,5% -12%/năm, trong khi lãi suất huy động ngắn hạn đều ở mức dưới 7%/ năm, chênh lệch từ 3,7% đến trên 5%.
Trong khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay vẫn đang giữ ở mức cao.
Lãi suất cho vay dài hạn kỳ hạn 12 tháng trở lên của ngân hàng vẫn rất cao. Các ngân hàng vẫn áp dụng cho vay 1-3 tháng đầu lãi suất từ 5%-8% rồi tăng dần lên theo lãi suất thị trường là lấy lãi suất huy động cao nhất tại thời điểm đó, cộng với biên độ khoảng 4%-5%. Tính một cách cụ thể thì lãi suất cho vay vẫn rất cao, từ 11% - 16% tùy vào khách hàng, tùy vào khoản vay.
Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động khoảng 4-5% đây là mức chênh khá cao. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Việc hạ lãi suất huy động nhưng không tạo được áp lực hạ lãi suất cho vay, chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng lời hơn, vì bình thường trong kinh doanh ngân hàng thì chênh lệch giữa hai mức lãi suất khoảng 2% đã khá cao rồi”.
Liệu có giảm lãi suất cho vay
Lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi đó lãi suất cho vay vẫn cao, câu hỏi đưa ra liệu sẽ có một đợt giảm lãi suất cho vay hay không?
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, lãi suất cho vay có thể vẫn giữ nguyên mức hiện nay, bởi nợ xấu của các ngân hàng vẫn cao. Doanh nghiệp phải hoạt động một cách hiệu quả, có lợi nhuận để đảm bảo giảm nợ xấu, sức ép đó khiến các ngân hàng buộc phải giữ mức lãi suất cho vay ngất ngưởng so với lãi suất huy động.
Về phía các ngân hàng, vấn đề không hẳn ở lãi suất mà là do tiêu dùng giảm, khiến các doanh nghiệp sản suất không có đầu ra, do đó không dám tiếp tục vay vốn. Điều cần lưu ý là, không cứ phải hạ lãi suất thì doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiêu chuẩn để ngân hàng cho vay.
Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết: “Hiện có 80% doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn vay vốn, nếu cứ cố đẩy tín dụng ra, chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể”. Vì thế chỉ có những doanh nghiệp khỏe mới có cơ hội vay vốn rẻ. Trong khi đó, số doanh nghiệp này không nhiều.
Dựa trên thực trạng hiện nay, dù có hạ lãi suất cho vay thì các doanh nghiệp vẫn khó hy vọng tiếp cận được vốn . Ngược lại, các ngân hàng vẫn được lợi vì giảm lãi suất thì sẽ giảm chi phí huy động vốn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Khi hạ lãi suất, đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp thì NHNN phải có thêm một động thái nữa, đó là phải giới hạn mức chênh lệch đầu ra đầu vào, lúc đó mới tạo nên hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp, nếu không thì chỉ tạo thêm cơ hội cho ngân hàng tăng lợi nhuận thôi”.
Theo Thanh Huyền - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]