Cụ thể, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,3%/năm.
Lãi suất cho vay cũng khá ổn định, trong đó lãi suất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-8%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn.
Một số NHTM tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm. Các lãi suất ưu đãi này đều được các ngân hàng triển khai qua các gói tín dụng hoặc các chương trình ưu tiên cho khách hàng thân thiết.
Trong khi đó, lãi suất huy động USD đều về mức trần quy định của NHNN là 1%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức. Tuy nhiên, người vay USD vẫn chịu mức lãi suất rất cao, phổ biến ở mức 4-7%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 4-6%/năm, 5,5-7%/năm đối với trung và dài hạn.
Mức lãi suất cho vay USD của các ngân hàng, theo thống kê của chúng tôi, đã duy trì ở mức từ 4 - 7% suốt hơn 1 năm qua dù rằng lãi suất đầu vào được NHNN điều chỉnh giảm tới 2 lần.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, điều này thực sự rất thiệt thòi cho họ bởi trong khi kinh doanh khó khăn, lãi suất đầu vào giảm mà họ vẫn phải vay mức chênh lệch từ 4 - 6%. "Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay VND xuống dưới 13% từ mức 15 - 16% thì cũng nên giảm lãi suất cho vay USD xuống còn 4- 5% thì chúng tôi mới làm ăn được", Kế toán trưởng của một công ty phân bón tại Ninh Bình cho biết.
Cũng theo vị này, ngay từ giữa năm ngoái, khi lãi suất huy động USD điều chỉnh giảm từ 2% xuống 1,25%, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị với các ngân hàng hạ lãi suất nhưng không được đáp ứng.
"Trong các điều hành, cơ quan quản lý đều chỉ chú trọng tới các khoản vay VND, yêu cầu ngân hàng giảm lãi vay tiền đồng mà không đoái hoài tới các doanh nghiệp phải vay USD là rất thiệt thòi cho chúng tôi. Mong rằng thời gian tới NHNN sẽ quan tâm hơn tới chúng tôi và yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất, tạo điều kiện để chúng tôi tiếp cận với dòng vốn rẻ hơn trong lúc phải kinh doanh khó khăn như hiện nay".
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]