Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 5,5%/năm, áp dụng từ ngày 29/9, tất cả các ngân hàng đều giảm lãi suất.
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng TMCP, Sacombank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 2 tháng 5,1%/năm, 3 tháng là 5,2%/năm. Mức trần lãi suất 5,5% chỉ áp dụng cho kỳ hạn 5 tháng.
Lãi suất huy động ở ACB áp dụng 4,9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng trong khi kỳ hạn 3 tháng là 5,1%/năm.
VPBank không phân biệt nhiều giữa các kỳ hạn ngắn, lãi suất áp dụng là 5,4 – 5,5%/năm. VIB áp dụng đồng loạt mức lãi suất 5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Lãi suất tại TPBank là 5,2 – 5,4%/năm.
Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước vốn đã niêm yết lãi suất thấp hơn cả mức trần NHNN mới điều chỉnh rất nhiều (trước đó là 4,2 – 5%/năm), thì nay lại tiếp tục hạ lãi suất hơn nữa.
Điển hình Agribank thông báo giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 4%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 4,5%, 3 tháng là 5% và từ 4-5 tháng là 5,5%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở Vietcombank còn 4,3%/năm (giảm 0,2%); các kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng áp dụng như của Agribank.
Tại BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1 thán cũng giảm về 4,3%/năm; 2 tháng là 4,5% và 3 tháng là 5%/năm.
Vietinbank áp dụng lãi suất đồng loạt 4,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1-3 tháng và 5% cho kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng.
Về lãi suất huy động các kỳ hạn dài, hiện nay các ngân hàng đều huy động vốn với mức lãi suất khá thấp, phổ biến quanh 7 – 7,5%/năm, một vài ngân hàng huy động 8%/năm.
Đối với lãi suất USD, tất cả các ngân hàng đều huy động với lãi suất tối đa 0,75%/năm cho các khoản tiền gửi của cá nhân theo mức trần NHNN áp dụng.
Trước đó, quyết định hạ trần lãi suất huy động tiền đồng từ 6% xuống 5,5%/năm của NHNN đã nhận được sự đánh giá tích cực từ giới quan sát. Các tổ chức tài chính, báo chí trong và ngoài nước cho rằng đây là một phần trong nỗ lực nhằm giúp các ngân hàng giảm chi phí để có thể hạ lãi vay xuống mức thấp hơn nữa nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Theo báo cáo của NHNN về hoạt động tiền tệ 10 tháng đầu năm, tính đến ngày 9/10/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm còn chiếm 4,12% tổng dư nợ cho vay VND; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 11,7% tổng dư nợ. Không ít các doanh nghiệp trong khi đó cho biết họ sẽ mặn mà tiếp cận vốn hơn khi lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10%/năm.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]