Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho biết, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện đang rất thiếu và yếu, nhưng đó cũng là thị trường mở để doanh nghiệp phát triển từ công nghiệp nội địa hóa rồi “chen chân” được vào chuỗi sản xuất quốc tế.
“Tuy nhiên, nguồn vốn để phục vụ phát triển sản xuất hiện nay đối với khối doanh nghiệp này vẫn là một trở ngại đặc biệt”.
Theo ông Hoàng, ngày 24/2/2012 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với những hỗ trợ được quy định cụ thể nhưng nó chưa đủ mạnh, thủ tục thì khó khăn do đó hầu như các thuộc ngành này đều chưa tiếp cận, chưa vay được vốn.
Ông Hoàng lấy dẫn chứng, ngay ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vốn là đơn vị được ủy quyền cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhưng lãi suất vẫn không hề giảm hơn so với các doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực khác. Tiếng là ưu đãi nhưng mức lãi suất cho vay vẫn phổ biến ở mức 10%/năm và các NHTM khác nếu đàm phán khéo cũng phải 12%.
“Tôi cũng như phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên đều cho rằng mức lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này hiện chỉ nên dừng ở mức dưới 3%/năm thì mới đảm bảo thu hồi được vốn; thời hạn cho vay nên từ 8 – 12 năm thì mới đảm bảo được kế hoạch sản xuất kinh doanh” – Ông Hoàng nhấn mạnh.
Để đạt được tiếng nói chung trong vấn đề này hay nói một cách khác là muốn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển ông Hoàng cho rằng nhất thiết phải có “bàn tay” của Chính phủ.
Ở một số nước lân cận như Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia… Chính phủ cũng phải lập ra một quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ với số vốn tương đối lớn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]