Không chỉ người Mỹ mà tất cả những ai theo dõi cuộc đua này đều được đưa vào nhiều cung bậc cảm xúc lên xuống liên tục. Phần vì họ quan tâm đến nước Mỹ, phần vì biết chắc một quốc gia lớn như Mỹ, ai là tổng thống cũng sẽ có tác động nhất định đến đất nước mình. Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ, ông Đặng Hoàng Hải Anh, Giáo sư thỉnh giảng ĐH Indiana, Hoa Kỳ cho rằng, Tổng thống đắc cử Biden từng giữ vị trí phó tổng thống suốt hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, nên ông dễ có nhiều thiện cảm với Việt Nam.
Với tình hình hiện tại, ông Trump sẽ là tổng thống đầu tiên sau 28 năm không tái đắc cử, mặc dù những người ủng hộ ông được cho là rất trung thành. Theo ông, lý do gì khiến ông Trump chưa mở rộng được uy tín của mình ra những cử tri khác?
Nhiệm kỳ vừa rồi, Tổng thống Trump đã khá thành công trong việc giữ vững và thúc đẩy hơn nữa đà tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ cựu Tổng thống Obama. Tính đến thời điểm trước khi dịch cúm xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp và thị trường chứng khoán đi lên trong một thời gian dài cũng kỷ lục. Tuy nhiên, ngoài các điểm mạnh đó, Tổng thống Trump chưa thuyết phục được giới trí thức cấp tiến và tầng lớp trung lưu ở Mỹ rằng ông xứng đáng một nhiệm kỳ nữa.
Về mặt đối nội, ông đưa ra các chính sách chủ yếu phục vụ cho nhóm cử tri của mình thay vì bao gồm cả quốc gia (ví dụ, ông chưa mạnh mẽ lên tiếng hơn nữa để phản đối các nhóm da trắng kỳ thị chủng tộc, hay xóa bỏ nhiều đạo luật bảo vệ môi trường).
Về đối ngoại, ông cũng làm mất lòng nhiều đồng minh thân cận lâu năm như khối EU, hay Canada và Mexico khi đề nghị đàm phán lại hiệp ước thương mại bắc Mỹ NAFTA, hay có quyết định rút quân đột ngột mà chưa tính kỹ đến cân bằng quyền lực ở Syria. Ngoài ra, về mặt cư xử hành vi cá nhân, ông cũng có nhiều tuyên bố thẳng thắn làm mất lòng nhiều người. Nhưng một yếu tố có lẽ quan trọng hàng đầu là đa số người dân Mỹ cho rằng ông chưa kiểm soát tốt được dịch Covid-19 thời gian qua, dẫn tới tỷ lệ tử vong ở Mỹ cao bậc nhất trên thế giới.
Vậy lý do gì khiến năm nay ông Biden giành được ưu thế ở những bang mà bà Clinton từng thất bại năm 2016, và thậm chí là cả những bang mà nhiều năm gần đây không bầu cho Dân Chủ?
Ngoài các lý do về chính sách khác biệt với Tổng thống Trump nêu ở trên, một số nhà bình luận cho rằng ông Biden đã tạo ra sức hút cá nhân độc đáo. Khác với Thượng nghị sĩ Clinton, ông Biden có phong cách giản dị và bình dân gần gũi với cử tri thuộc tầng lớp trung lưu và lao động nghèo vốn chiếm thành phần đa số trong đảng Dân chủ.
Ví dụ, ông sống ở bang Delaware và thường xuyên đi tàu hỏa tới thủ đô Washington DC để làm việc, giống như mọi người dân Mỹ bình thường khác. Ông cũng chịu khó dành thời gian đi vận động tranh cử nhiều hơn ở các bang chiến trường (Michigan, Wisconsin, Pennsylvania) hơn Thượng nghị sĩ Clinton.
Kỳ bầu cử kịch tính này đã cho thấy một sự phân hóa rất sâu sắc trong lòng nước Mỹ. Điều đó có phải là một thách thức đối với tổng thống tiếp của nước Mỹ?
Nhìn vào bản đồ kết quả bầu cử của Mỹ, hầu hết các bang bên hai bờ biển hay ở vùng Midwest có các thành phố lớn (Illinois) hay trường đại học lớn (Michigan, Minnesota, Wisconsin) đều ủng hộ ứng viên Biden. Điều đó cho thấy nhiều khả năng các cử tri ủng hộ Biden cũng giống các cử tri ủng hộ ông Clinton năm 2016. Đó đa phần là các cử tri có học, tầng lớp trung lưu, ở thành phố lớn, và có các quan điểm cấp tiến (liberals).
Ngược lại, các cử tri ủng hộ Tổng thống Trump được đánh giá đa phần là ít học hơn, có quan điểm tôn giáo thủ cựu mạnh mẽ, làm trong các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất xe hơi hay khai thác khoáng sản.
Kết quả sát sao như vậy cho thấy sự phân hóa sâu sắc của nước Mỹ về rất nhiều mặt, từ kinh tế, quan điểm chính trị cho đến tôn giáo và văn hóa. Chênh lệch bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư, ngành nghề làm việc, và cả nơi ở thành thị hay nông thôn đang góp phần khoét sâu thêm sự phân hóa đó. Những người dân sống ở vùng nông thôn, xa các trung tâm lớn không được lợi nhiều trong giao thương quốc tế. Điều này cũng đúng cho cả những tầng lớp thị dân nghèo ở các đô thị lớn.
Có đến một nửa dân số Mỹ không có dư tiền tiết kiệm để đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK), nên không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng manh mẽ của TTCK mấy năm qua. Những thách thức về bất bình đẳng này là những vấn đề mà Tổng thống mới đắc cử sẽ phải đương đầu.
Vậy còn điểm tích cực của sự kịch tính đó thì sao?
Trong ngắn và trung hạn, việc các mâu thuẫn xã hội có dịp bộc lộ và được giải quyết thông qua kết quả bầu cử (theo đa số) là một tín hiệu tốt về thể chế vận hành tốt. Điều đáng nói là đảng Dân chủ có thể giành chiến thắng bầu cử tổng thổng và giữ được đa số trong hạ viện, nhưng nhiều khả năng đảng Cộng hòa sẽ vẫn chiếm đa số ở thượng viện. Như vậy cán cân quyền lực và kiểm soát lẫn nhau giữa hai đảng vẫn được duy trì để đảm bảo lợi ích chung của đất nước.
Nhìn chung nước Mỹ có một thể chế vững chắc, môi trường khuyến khích tài năng của mỗi cá nhân và khích lệ sự xuất chúng. Nước Mỹ cũng có một văn hóa bao dung sự khác biệt (về màu da, giới tính, chủng tộc, quan điểm) rõ rệt hơn nhiều nước khác. Cụ thể hơn, nhiệm kỳ tổng thống này lần đầu tiên sẽ có một nữ phó tổng thống là phụ nữ da màu, có bố mẹ là người nhập cư vào Mỹ. Đó là những thế mạnh tôi cho rằng tạo nên bản sắc độc đáo, giúp nước Mỹ có thể tái định hình và vượt lên mỗi khi gặp khủng hoảng.
Là một người đánh giá cao chính sách kinh tế của ông Trump, ông đánh giá thế nào về chính sách của Trump với Trung Quốc, cũng như tương lai của mối quan hệ này sau bầu cử?
Đúng là tôi đánh giá cao một số chính sách kinh tế của Tổng Trump như giảm thuế thu nhập công ty hay đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đưa ra các chính sách cứng rắn hơn để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc (mặc dù có vẻ ông Trump chưa nêu được giải pháp rốt ráo để giải quyết vấn đề là). Thực tế là cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trumg với Trung Quốc nhận được nhiều ủng hộ của người dân Mỹ, từ giới học giả tinh hoa cho đến người dân thường.
Song, các quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc là một vấn đề hiếm hoi mà cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ hiện nay đồng thuận. Ngoài ra, trong môi trường thương mại toàn cầu hóa hiện nay, tôi cho rằng các công ty sẽ chỉ có thể chuyển một phần, chứ không phải toàn bộ, việc làm của các công ty Mỹ về nước. Đa dạng hóa nguồn cung giúp cắt giảm chi phí sản xuất vẫn là yếu tố quan tâm hàng đầu của các công ty.
Nếu trở thành tổng thống, các chính sách kinh tế của ông Biden sẽ có những điểm tương đồng và khác biệt ra sao với ông Trump?
Cả hai ông đều chú trọng tạo thêm công ăn việc làm qua các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhưng ông Biden quan tâm hơn đến việc đầu tư vào công nghệ để khuyến khích các công ty Mỹ phát minh sáng chế hơn nữa. Ông cũng coi tầng lớp trung lưu đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chính sách nhập cư cũng có thể được nới lỏng hơn so với ông Trump.
Về mặt thương mại quốc tế, cũng như ông Trump, ông Biden sẽ tiếp tục quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận theo xu hướng đa phương, tức là hình thành liên minh với nhiều nước, để có thể gây sức ép hiệu quả hơn với Trung Quốc. Ông Biden cũng coi trọng nhiều hơn các định chế quốc tế như việc ông sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại WHO hay Hiệp ước thay đổi khí hậu Paris. Ông cũng chú trọng nhiều hơn tới các chính sách bảo vệ môi trường.
Chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Biden trong trung hạn cũng có thể mang nhiều ảnh hưởng truyền thống của đảng Dân chủ. Đó là tăng thuế cá nhân và doanh nghiệp để tăng ngân sách chi trả cho các chương trình trợ cấp xã hội, nhất là về y tế.
Cụ thể, ông có thể tăng thuế thu nhập công ty từ 21% lên 28%, và tăng gấp đôi thuế lợi nhuận của các chi nhánh nước ngoài của các công ty Mỹ. Có một số tính toán cho rằng, các chính sách này sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách hơn 4.000 tỷ đô la trong 10 năm tới, và gánh nặng thuế chủ yếu rơi vào tầng lớp thu nhập cao hơn. Giới siêu giàu top 1% thu nhập sẽ phải trả tới ¾ gánh nặng thuế tăng thêm, hay nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất sẽ phải trả hơn 90% gánh nặng thuế tăng thêm. Tuy nhiên, việc tăng thuế không phải dễ dàng, nếu như sắp tới Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa nắm.
Nhưng trước mắt, khác biệt lớn nhất là đối với ông Biden, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho khống chế bệnh dịch, và có các chính sách thích hợp để nền kinh tế mở cửa trở lại.
Một số chính sách của Tổng thống Donald Trump được cho là tạo thuận lợi cho Việt Nam, vậy với ông Biden, điều đó sẽ thay đổi ra sao?
Khi ông Biden chính thức trở thành Tổng thống, có lẽ các chính sách của ông sẽ còn thuận lợi hơn cho Việt Nam so với Tổng thống Trump. Có vài lý do như vậy.
Thứ nhất, ông Biden, và đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ các khối liên minh ở châu Á để giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc. Theo hướng đó, nhiều khả năng ông sẽ khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (trong khi Tổng thống Trump hủy bỏ hiệp định này). Quan hệ thương mại giữa chính quyền Biden và Việt Nam nhiều khả năng không chỉ dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi, mà còn có thể có những ưu đãi nhất định, vì Mỹ cần một đối tác với lợi thế địa chính trị như Việt Nam.
Thứ hai, chính quyền Biden sẽ tiếp tục một cách nhất quán và ổn định hơn các chính sách thương mại của Mỹ (so với Tổng thống Trump thường hay có các quyết định bất ngờ khó đoán trước). Tổng thống đắc cử Biden từng giữ vị trí phó tổng thống suốt hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, nên ông dễ có nhiều thiện cảm với Việt Nam.
Cuối cùng thì đảng Dân chủ có thể sẽ coi trọng các chính sách phát triển bền vững bảo vệ môi trường hơn. Trong khi đó, Việt Nam đang chịu thiệt hại ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, nên trong chừng mực nhất định, Việt Nam cũng có thể hưởng lợi nhiều hơn.
Nhưng để có thể nắm bắt được những thuận lợi đó thì từ phía Việt Nam cần lưu ý điều gì?
Để nắm bắt các thuận lợi đó, Việt Nam có thể chủ động thắt chặt hơn nữa các quan hệ với Mỹ. Việt Nam cũng có thể khuyến khích tạo môi trường thuận lợi cho các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam và ngược lại.
Việt Nam cũng có thể gửi nhiều hơn nữa các sinh viên và cán bộ đi đào tạo tại Mỹ. Một mô hình chúng ta có thể học hỏi là Trung Quốc đã mở cửa và gửi sinh viên đi du học Mỹ rất sớm ngay từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ từ năm 1979. Thế hệ các sinh viên đó sau đó một phần quay trở lại Trung Quốc công tác, một phần ở lại Mỹ làm việc. Cả hai nhóm đều có những đóng góp riêng của mình, trực tiếp hay gián tiếp (qua việc tạo ra mạng lưới kết nối các công ty và đại học hàng đầu ở Mỹ với đối tác ở Trung Quốc) giúp cho sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.
Cuối cùng thì Việt Nam nên tiếp tục đổi mới thể chế, hoàn thiện hơn nữa cơ chế kinh tế thị trường, và thúc đẩy thu hút đầu tư nội địa (để huy động được nhiều hơn nguồn tiền tiết kiệm trong dân cư). Như vậy chúng ta mới có thể chủ động tận dụng tốt nhất được các nguồn lực trong nước để tạo ra vị thế tốt hơn trong việc giao thương với Mỹ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]