Ảnh minh họa. (Ảnh: Kiều Khanh/Vietnam+)
Dòng kiều hối thường tập trung đổ về Việt Nam vào mùa Tết cuối năm, đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, kiều hối năm 2013 đạt con số ấn tượng 11 tỷ USD.
Mặc dù con số này chỉ xấp xỉ năm 2012 nhưng lại được các tổ chức tín dụng và chuyên gia đánh giá cao vì nền kinh tế năm qua vẫn còn nhiều khó khăn.
Dịch chuyển địa lý
Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Công ty chuyển tiền toàn cầu thuộc VietinBank, dự đoán năm nay doanh số chuyển tiền kiều hối qua công ty sẽ tăng khoảng 10% so với con số 1,2 tỷ USD năm trước, trong đó kiều hối từ thị trường Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc vẫn chiếm vị trí chủ lực.
Cũng theo ông Hải, trước đây người nhận thường tập trung ở các thành phố lớn và một số tỉnh có đông Việt kiều nhưng những năm gần đây các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ninh, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình... trở thành thị trường mới nổi về kiều hối do có đông người đi xuất khẩu lao động.
Đại diện Công ty kiều hối Sacomrex cho biết, doanh số của Công ty đạt khoảng 1,7 tỷ USD, vượt 15% so với kế hoạch, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là nguồn kiều hối từ các thị trường xuất khẩu lao động. Thậm chí, ở một số thị trường, kiều hối chuyển về nước tăng đến 300% so với năm trước.
Còn tại Agribank, mặc dù không đưa ra con số nhưng lãnh đạo Ngân hàng này cho biết, cùng với sự tăng trưởng của kiều hối về Việt Nam và thế mạnh của mạng lưới chi nhánh rộng khắp cả nước, chiếm khoảng 12% thị phần chuyển tiền kiều hối về Việt Nam, tăng xấp xỉ 8% so với năm 2012.
Thống kê cho thấy, hiện có gần 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng hơn 400.000 lao động xuất khẩu đang sinh sống, làm việc tại 103 quốc gia khắp thế giới. Mỗi lao động xuất khẩu chỉ cần gửi về cho người thân 2.500 USD/năm thì doanh số kiều hối từ lao động nước ngoài đã lên tới 1 tỷ USD/năm, góp phần đáng kể trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết, những năm trước đây, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam không đọng lại ở ngân hàng nhiều vì chảy ra thị trường tự do do chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường và tình trạng đô la hóa ở Việt Nam rất lớn.
Tuy nhiên, hai năm qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách và điều hành giữ tỷ giá tương đối ổn định, tỷ giá chênh lệch giữa thị trường tự do và trong ngân hàng không còn nhiều. Chính vì vậy lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2012, khách hàng nhận được tiền bán lại và gửi lại cho ngân hàng rất nhiều.
Điều này được thể hiện ở các ngân hàng như VietinBank, Agribank, Sacombank, DongA Bank, Vietcombank... người dân bán lại ngoại tệ cho ngân hàng để gửi tiền đồng (VND) tăng hơn nhiều so với những năm trước. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng ở một số ngân hàng khác, con số này cũng tăng lên đáng kể, chưa kể nhiều người dân chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn.
Tranh thủ đón sóng
Phần đông các ngân hàng đã thành lập công ty kiều hối hoặc bộ phận chuyên môn về kiều hối để phát triển dịch vụ đa dạng, tốt hơn. Nhiều ngân hàng đã có thể cho khách hàng lựa chọn hình thức nhận tiền tại quầy, chi trả tại nhà hoặc qua tài khoản, qua thẻ ATM của chính ngân hàng và các ngân hàng khác.
Để “đón” dòng tiền của Việt kiều và người lao động xuất khẩu, Agribank triển khai Chương trình khuyến mại mùa kiều hối Agribank 2014 “Lộc xuân tràn đầy-Tết vui sum vầy”. Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc, với nhiều giải thưởng giá trị như tủ lạnh Sharp SJ- P625G, tivi LCD Sony…
Còn tại Eximbank, Ngân hàng này cũng đã hợp tác với Prabhu Group Inc (Công ty chuyển tiền quốc tế có trụ sở chính tại New York, Hoa Kỳ) cung cấp dịch vụ chi trả kiều hối Prabhu. Để nhận tiền kiều hối từ Công ty Prabhu tại Việt Nam, người nhận tiền đến điểm giao dịch gần nhất của Eximbank cung cấp mã số nhận tiền và nhận tiền từ người thân chuyển về bằng loại tiền USD hoặc VND mà không phải trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào.
Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng thu hút lớn nhất nhì lượng kiều hối từ các nước gửi về.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng cho rằng, dịch vụ chuyển tiền kiều hối hiện khá phát triển, với nhiều ngân hàng và công ty cung cấp dịch vụ chi trả với mức phí cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tốt và mạng lưới chi trả rộng khắp. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất ngoại tệ ở Việt Nam so với nước ngoài cũng như việc chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ và VND ở Việt Nam cũng là yếu tố thu hút nguồn ngoại tệ đổ về Việt Nam.
Theo ông Hà, bà con Việt kiều và người lao động nên gửi các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi để dễ dàng thực hiện chuyển đổi sang VND ở Việt Nam. Tại Vietcombank, dịch vụ nhận kiều hối có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ của khách hàng với gần 20 loại ngoại tệ mạnh và phổ biển trên thế giới như USD, AUD, EUR, GBP, JPY, CAD, CHF, SGD hoặc quy đổi ra VND.
Ông Hà cũng cho biết, tại Vietcombank thời gian qua, xu hướng lĩnh kiều hối bằng VND ngày càng phổ biến. Với sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua, vị thế của đồng nội tệ được nâng cao, nên việc chuyển đổi sang VND với mức lãi suất cao hơn là một lựa chọn tốt.
Nhiều ngân hàng đều tỏ ra lạc quan về lượng kiều hối trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong năm 2013, lượng kiều hối được ghi nhận tăng trưởng là do tỷ lệ thất nghiệp các nước phát triển đã giảm 50% so với năm trước.
Với việc các ngân hàng nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp khách hàng chuyển, nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam được nhanh chóng, an toàn, chi phí thấp, đang có nhiều kỳ vọng dòng kiều hồi sẽ đạt những ngưỡng cao mong đợi trong những tháng tới.
Theo văn bản hợp nhất về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước mà Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu từ ngày 11/12/2013, người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.
Theo Minh Thúy - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]