Cụ thể, ông Cường cho rằng việc Luật các TCTD ra đời năm 2010 đã chính thức công nhận tổ chức tài chính vi mô là một trong những thành phần của hệ thống tài chính chính thức ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện Luật các TCTD phải được xây dựng riêng, phù hợp với đặc thù của các tổ chức tài chính vi mô; không nên đánh đồng với các NHTM vì như thế sẽ là hạn chế kìm hãm sự phát triển của các tổ chức tài chính vi mô – vốn được xem là nhân tố quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Ông Cường giải thích: Về bản chất hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô cũng không giống như NHTM. Nếu như các NHTM huy động vốn từ nhiều người để cho vay một số người thì rủi ro của cho vay của các NHTM là rủi ro đối với xã hội còn với các tổ chức tài chính vi mô việc huy động nguồn vốn sẽ được chia thành những món vai nhỏ dành cho người nghèo do đó rủi ro với xã hội gần như là không có.
“Lịch sử cho thấy trong tất cả các cuộc khủng hoảng vừa qua đều không ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính vi mô, tỷ lệ nợ mất vốn chỉ vào khoảng 0,08%. Do đó, cần có cơ chế tạo điều kiện để tổ chức tài chính vi mô được phát triển ở Việt Nam” – Ông Cường nói.
Nói về những hạn chế cần sửa đổi ông Cường nêu ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, quy định về yêu cầu kho két và cơ sở vật chất hiện nay không phù hợp với những đặc thù của các tổ chức tài chính vi mô, thậm chí nó còn làm tăng chi phí chuyển đổi mà người cuối cùng phải gánh chịu lại là những khách hàng – những người nghèo tham gia vay vốn.
Thứ hai, NHNN cũng phải điều chỉnh tổng dư nợ cho vay vì hiện nay mức tối đa không quá 30 triệu đồng/khách hàng là không còn phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Thứ ba, quy định phải thường xuyên duy trì tỷ lệ về khả năng chi trả tổi thiểu bằng 20% tổng tài sản là cao và chưa phù hợp với đặc thù trong hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô. Trong bối cảnh nguồn vốn đã ít ỏi tổ chức tài chính vi mô còn phải gửi 20% số tiền vào các NHTM như vậy đã khiến nguồn vốn bị tắc dẫn đến chi phí tăng, hạn chế cho người nghèo tiếp cận được vốn.
Thứ tư, lãi suất hiện nay của các tổ chức tài chính vi mô khoảng 20 – 25%. Sở dĩ lãi suất cao như vậy là do đặc thù của tổ chức tài chính vi mô huy động vốn cao, cung cấp dịch vụ tại nơi khách hàng sinh sống, vùng sâu vùng xa, lại không yêu cầu tài sản thế chấp… Do đó, cần hoàn thiện quy định về lãi suất theo hướng cho các tổ chức tài chính vi mô được tự thỏa thuận lãi suất trên cơ sở bù đắp đủ chi phí nhưng cũng không mang tính chất bóc lột người nghèo.
Các yếu tố cấu thành lãi suất suất của tổ chức tài chính vi mô hiện nay bao gồm: Huy động vốn bình quân, chi phí hoạt động, chi phí dự phòng mất vốn và thu nhập lãi ròng…. Vì thế theo ông Cường muốn các tổ chức tài chính vi mô có thể giảm được lãi suất cho vay thì bên cạnh việc các tổ chức tài chính vi mô phải nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm chi phí, thì cam kết hỗ trợ từ Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]