Chính phủ Nhật tin rằng họ đang ngăn chặn giảm phát thành công, và bất ngờ hãng bán lẻ trực tuyến ví như Amazon trở thành vật ngáng đường, theo cái cách mà ít ai ngờ đến nhất.
Theo bài báo mới được Bloomberg đăng tải, trong thời gian gần đây, khi nhiều hãng bán hàng trực tuyến tại Nhật đua nhau giảm giá hàng hóa để hút khách, Amazon cũng không thể nằm ngoài cuộc chơi.
Với thị phần lớn, Amazon có “sức nặng” điều chỉnh thị trường bán lẻ trực tuyến theo cách mà họ muốn. Và chính cuộc đua giảm giá hàng hóa này khiến chính phủ Nhật gặp khó khi muốn chấm dứt triệt để tình trạng giảm phát.
Hậu quả, trong buổi họp chính sách gần nhất, Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ phải hạ dự báo lạm phát cho năm tài khóa hiện tại. Dù thời gian gần đây, kinh tế Nhật đã có khoảng thời gian tăng trưởng dài nhất trong 11 năm và một thị trường lao động quá dư thừa việc làm, thế nhưng cùng lúc đó, lạm phát vẫn không tăng đúng mục tiêu của Ngân hàng Trung ương bởi nó phải đối diện với quá nhiều lực cản, một trong số yếu tố cản trở lớn nhất chính là Amazon.
Lần này, Ngân hàng Trung ương Nhật được kỳ vọng sẽ nâng dự báo về tăng trưởng nền kinh tế nhưng không thể điều chỉnh định hướng chính sách tiền tệ.
Hiện nay trên toàn cầu, không chỉ riêng chính phủ Nhật phải lo lắng về tình trạng giá cả không tăng. Các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương nhiều nền kinh tế lớn tại châu Âu cũng như Mỹ đang “vò đầu bứt tóc” để lý giải tại sao giá cả không biến động mấy dù kinh tế nước họ cũng đã tăng trưởng ổn định hơn trước rất nhiều. Thông thường khi kinh tế tăng trưởng, giá cả cũng tăng theo.
Trong trường hợp của Nhật, giá cả chậm tăng được lý giải rằng có nguyên nhân trực tiếp từ việc các hãng bán hàng trực tuyến đua nhau giảm giá. Trong khi tổng doanh số bán lẻ của nền kinh tế không tăng trưởng mạnh, sự cạnh tranh giảm giá của các hãng bán hàng trực tuyến khiến mặt bằng giá cả khó có thể điều chỉnh theo đúng định hướng của Ngân hàng Trung ương.
Quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật cũng đã thừa nhận thương mại điện tử là một trong những vật cản ngăn lạm phát của Nhật tăng đạt mục tiêu của Ngân hàng Trung ương.
Theo giải thích của đại diện Aeon, một trong những hãng bán lẻ lớn nhất tại Nhật, thương mại điện tử đã khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các hãng bán lẻ trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt khi người tiêu dùng vẫn cực kỳ sát sao về vấn đề giá cả. Khi các hãng bán hàng trực tuyến giảm giá để hút khách, Aeon cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Chỉ riêng trong tháng Tư, Aeon đã phải hạ giá 250 mặt hàng, và Aeon có kế hoạch tương tự vào tháng Tám.
Chủ tịch của Aeon, ông Motoya Okada, khẳng định rằng với cách tiêu dùng của nhiều người dân Nhật vốn ưa chuộng hàng giảm giá và việc nhiều hãng bán lẻ trực tuyến đua nhau giảm giá hút khách, Nhật sẽ không thể có lại mức lạm phát cần có dù đã vật lộn với tình trạng giá cả sụt giảm suốt gần 20 năm. “Đừng ảo tưởng sẽ giảm phát sẽ chấm dứt”, ông Okada nói.
Hiện nay, thương mại điện tử tại Nhật chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh số toàn ngành bán lẻ, thế nhưng tác động của thương mại điện tử lên mặt bằng giá cả lớn hơn bởi mỗi năm, doanh số bán hàng qua các kênh bán hàng trực tuyến tăng trưởng trung bình 8 đến 10% trong khi doanh số toàn ngành không tăng trưởng. Hiện nay tại Mỹ, bán lẻ trực tuyến chiếm 8,5% tổng doanh số bán lẻ toàn nước Mỹ.
Hiện nay, Nhật là thị trường lớn thứ ba trên thế giới của Amazon, sau Mỹ và Đức. Tổng doanh số bán lẻ của Amazon tại Nhật mỗi năm ước khoảng 11 tỷ USD. Cùng lúc đó, nhiều trang bán hàng trực tuyến khác cũng đnag phát triển bùng nổ.
“Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty bán hàng trực tuyến và các công ty kinh doanh bán lẻ kiểu truyền thống đã và đang diễn ra tại Mỹ, tại Nhật, cuộc chiến giữa hai đối thủ lớn trên cũng đang diễn biến theo hướng như vậy. Chính vì vậy nếu chỉ đơn giản áp dụng biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương khó mà tăng được lạm phát”, chủ tịch viện nghiên cứu Totan, ông Izuru Kato, khẳng định.
Dù tất nhiên khi giá giảm, người tiêu dùng cực kỳ vui mừng. Nhưng theo lý giải của Ngân hàng Trung ương Nhật cũng như nhiều Ngân hàng Trung ương lớn khác trên thế giới, việc giá cả giảm trên diện rộng có thể đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy đầu tư thấp, người lao động không được tăng lương kéo dài, nền kinh tế vì vậy thiếu động lực tăng trưởng.
Ngân hàng Trung ương Nhật đặt mục tiêu đưa lạm phát lên mức 2% và đã bơm vào thị trường mỗi năm lượng tiền tính ra tương đương hàng trăm tỷ USD thông qua mua trái phiếu chính phủ và nhiều loại tài sản khác.
Trong quá khứ, Ngân hàng Trung ương Nhật đã từng đổ lỗi do giá dầu giảm khiến họ không thể đưa lạm phát lên mức mục tiêu. Thời gian gần đây, giá dầu đã biến động ổn định, giá cả tại Nhật đã tăng trở lại, tuy nhiên mức tăng vô cùng hạn chế. Lạm phát lõi (tính toán giá cả của tất cả các loại mặt hàng trừ thực phẩm tươi sống) tháng Năm chỉ tăng được 0,4%.
Đi tìm lời giải cho việc lạm phát khó khăn, Ngân hàng Trung ương Nhật nhắc đến tâm lý thích hàng giảm giá của người tiêu dùng và trong những lời phàn nàn của quan chức Ngân hàng Trung ương, Amazon được nhắc đến.
Nếu xu thế hiện nay tiếp diễn mà không có yếu tố nào đột biến, có thể khẳng định cho đến tận tháng Ba năm 2019, Ngân hàng Trung ương Nhật cũng không thể nâng lạm phát lên đạt mức mục tiêu 2%.