Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).
Nợ xấu đã tích tụ từ lâu
Mặc dù ghi nhận những thành tựu đạt được trong tiến trình đổi mới kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp tích cực của hệ thống tài chính vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua nhưng báo cáo cũng cho rằng, những năm gần đây nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại, bộc lộ những dấu hiệu khó khăn về tài chính và doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng tới sức khỏe của hệ thống ngân hàng.
Các tổ chức đánh giá, một số doanh nghiệp nhà nước lớn mất khả năng thanh toán nợ và một số khác có biểu hiện vay nợ quá mức. Nợ xấu đã tích tụ một lượng lớn, ước thận trọng tới 12% trên tổng dư nợ tại thời điểm cuối 2012. Năng lực cho vay của hệ thống giảm là một trong những yếu tố khiến cho tín dụng giảm mạnh.
Việc thành lập Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được đánh giá là tích cực. Thế nhưng hiệu quả của chiến lược xử lý nợ xấu này còn chưa rõ ràng và có thể cần phải có cách tiếp cận đa chiều chủ động hơn. Thiết kế của VAMC đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng 20%/năm cho các trái phiếu của VAMC mà không được tính vào tài sản sinh lời.
Việc sử dụng trái phiếu VAMC để tiếp cận thanh khoản có thể chỉ được một số ngân hàng gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản quan tâm. Thêm vào đó, nếu các tài sản VAMC mua lại được chuyển nhượng và lưu kho không có sự quản lý và giải quyết chủ động thì sẽ mất giá trị theo thời gian. Báo cáo đánh giá trong bất kỳ trường hợp nào VAMC sẽ chỉ giải quyết được một phần nợ xấu.
Một nội dung đậm nét trong kết quả của FSAP là tình trạng sở hữu chéo. Báo cáo đánh giá, hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là mức độ sở hữu chéo cao, bao gồm sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần với các ngân hàng khác và giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.
“Cơ cấu cổ đông phức tạp đã gây ra những quan ngại sâu sắc về xung đột lợi ích và hoạt động cho vay bên có quan hệ/liên quan nhằm tài trợ cho các dự án thiếu minh bạch. Cơ cấu này cũng dẫn đến tình trạng phóng đại vốn do cho vay mua cổ phần lẫn nhau và đã tạo điều kiện lách các quy định an toàn như giới hạn tập trung tín dụng,” báo cáo viết.
Khuyến nghị của các tổ chức đưa ra với ngành ngân hàng Việt Nam để xử lý nợ xấu, trước hết phải có được con số nợ xấu chính xác bằng kiểm toán tài chính đặc biệt. Kiểm toán hoạt động sẽ là cơ sở cho kế hoạch tái cấu trúc các ngân hàng, đồng thời phải xác định được các hình thức sở hữu chéo trong các ngân hàng.
Khó khăn trong tái cơ cấu ngân hàng
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến các vấn đề khó khăn của hệ thống ngân hàng, kể cả đóng cửa, giải thể ngân hàng quá yếu kém.
Báo cáo nhấn mạnh, từ trước đến nay, Bảo hiểm tiền gửi chưa bao giờ được dùng để xử lý nợ xấu hoặc các ngân hàng gặp khó khăn và có tình hình tài chính yếu kém.
Để lý giải thêm về vấn đề này, báo cáo chỉ rõ, việc đóng cửa và thanh lý các ngân hàng mất khả năng thanh toán vấp phải sự phản đối được cho là nhằm tránh tình trạng rút tiền hàng loạt. Mặc dù cần thiết phải làm như vậy, nhưng tình hình tài chính của Bảo hiểm tiền gửi không đủ để hỗ trợ thanh lý hai tổ chức tín dụng có quy mô trung bình. Số dư của quỹ Bảo hiểm tiền gửi chỉ chiếm 0,8% trong tổng số dư tiền gửi của toàn hệ thống đồng thời đã có những rủi ro nghiêm trọng trong cách thức đầu tư vốn của Bảo hiểm tiền gửi. Cơ quan này đang đầu tư nhiều tại các tổ chức tín dụng thành viên. Chỉ cần các tổ chức này gặp rủi ro về thanh khoản, hay khủng hoảng khả năng thanh toán thì sẽ gây rủi ro cho Bảo hiểm tiền gửi.
Phương pháp xử lý tái cơ cấu được báo cáo đưa ra là sáp nhập các tổ chức tài chính. Lý do của sự lựa chọn này là do ngân sách eo hẹp và mong muốn tránh tình trạng rút tiền hàng loạt. Mặc dù vậy, cách thức trên chỉ xử lý được vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn, nhưng chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản về tài sản, thanh khoản, vốn và quản trị điều hành...
Thêm vào đó, khả năng thực hiện giao dịch mua lại và tiếp nhận nợ không được quy định rõ ràng trong Luật các tổ chức tín dụng. Cần có một cơ chế xử lý ngân hàng hiệu quả hơn để áp dụng thử nghiệm với các tổ chức có quy mô nhỏ.
Hệ thống ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong tái cơ cấu. (Nguồn: TTXVN).
WB và IMF cho rằng, các cơ quan chức năng có thể phải áp dụng phương pháp tái cơ cấu đa chiều với những cấu phần chính liên kết mật thiết với nhau để giải quyết nợ xấu.
Theo đó, để giải quyết nợ xấu của tập đoàn lớn và đa năng cần có tòa án giám sát trình tự tiến độ phá sản, tất nhiên để đảm bảo cấu phần này có hiệu quả thì cần xem lại cơ chế phá sản doanh nghiệp để hỗ trợ quá trình tái thiết và thanh lý chính thức.
Ngoài ra, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng xác định là nòng cốt, đi cùng với đó cho phép các chủ nợ triển khai cơ chế tự dàn xếp và phê duyệt rút gọn, cho phép các bên tham gia thỏa thuận tự dàn xếp; xác định VAMC là đơn vị chính trong giải quyết nợ xấu, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, sử dụng một cách hạn chế các cơ chế tái cơ cấu hành chính đặc biệt đối với các trường hợp nợ của các doanh nghiệp nhà nước tập trung ở các ngân hàng thương mại nhà nước.
Nhận định về báo cáo này của WB và IMF, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các đánh giá quan trọng của báo cáo về hệ thống tài chính, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng khá phù hợp với những nhận định, đánh giá nội bộ của Ngân hàng Nhà nước ngay từ cuối năm 2011.
Tuy nhiên, trong báo cáo vẫn còn một số nội dung đánh giá, nhận định có sự khác biệt về quan điểm và cơ sở đánh giá giữa hai bên, chẳng hạn như về tỷ lệ nợ xấu, sở hữu chéo, can thiệp của chính quyền trung ương và địa phương trong hoạt động cho vay của ngân hàng, công tác thanh tra giám sát ngân hàng...
Bên cạnh đó, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế để đánh giá trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn ban đầu cũng có thể dẫn đến một số nhận định có sự khác biệt về quan điểm./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]