Nắm bắt được nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp (DN) nhỏ, hộ kinh doanh vào dịp cận tết tăng cao, cùng với đó là nhu cầu sắm sửa cho cái tết cổ truyền với người dân Việt Nam rất lớn, nhiều NH đã tung ra các gói lãi suất ưu đãi nhằm hút khách hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà cửa vào dịp cuối năm cũng bùng phát là lý do nhiều NH đã tung ra gói lãi suất giá rẻ.
Đơn cử có Sacombank đang cho vay với mức lãi suất chỉ từ 6,88%/năm. Ở lĩnh vực này, Vietbank khẳng định sẽ cho vay tối đa lên đến 100% tổng chi phí dự toán công trình xây dựng, sửa chữa nhà. Tính đến nay tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực xây sửa nhà ở NH này cũng lên tới khoảng 40%.
Không chỉ chào mời lãi suất thấp, nhiều NH còn kéo dài thời hạn cho vay lên tới ba năm như VIB hiện nay với mức lãi suất 0,68%/tháng. Tại ACB, lãi suất cho vay mua ô tô giảm ngay 2%/năm so với biểu lãi suất niêm yết và chương trình này được kéo dài từ tháng 8 cho đến hết năm 2014. Nguồn vốn được chào mời không chỉ dành cho sửa nhà, mua nhà mà ở nhiều NH như Vpbank, ACB, MB, Tienphongbank, HDbank, VIB… đều rộng cửa cho vay mua ô tô, xe máy…
Không chỉ tung ra các gói vốn rẻ, nhiều NH đã kết hợp các trung tâm mua sắm để tận thu nguồn từ thẻ tín dụng. Tại Sacombank, nếu khách hàng mua sắm tại Siêu thị Nguyễn Kim sẽ được giảm 10% khi thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tại Vietcombank còn có cả danh sách những nơi NH này đã liên kết là các điểm ăn uống, du lịch, mua sắm với nhiều ưu đãi như giảm 10%, tặng voucher…
Theo ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng Giám đốc Vietbank, sức vay mua tiêu dùng cuối năm nay nhiều và sôi động hơn hẳn năm ngoái. một phần nguyên nhân là do tâm lý người tiêu dùng về lãi suất rẻ. Cùng với đó chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10, giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu như xăng dầu giảm... cũng là những thông tin tích cực cho thị trường.
Thực sự cần thiết hãy vay
Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, cho rằng hầu hết NH hiện đang dư vốn nên phải tìm người đi vay. Để hút được khách hàng thì các NH phải cạnh tranh lãi suất, dịch vụ. Đối tượng để cho vay cuối năm được nhắm tới hầu hết là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể. Và tại thời điểm hiện nay, khách hàng nếu có nhu cầu vay vốn thực sự thì có quyền lựa chọn những sản phẩm tín dụng phù hợp.
Vậy có hay không việc bẫy lãi suất rẻ? Ông Nhung cho rằng không nên dùng cụm từ NH “bẫy khách hàng lãi suất rẻ” bởi người đi vay là người chịu rủi ro chứ không phải khách hàng vay. Tuy nhiên, trong bất kỳ hợp đồng vay vốn nào, dù ít hay nhiều khách hàng luôn phải lưu ý các điều kiện vay vốn, các loại khoản phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán... Đặc biệt ở mỗi gói lãi suất ưu đãi chỉ có một giai đoạn, sau đó là lãi suất thả nổi.
“Đừng để đến khi phải trả lãi suất thả nổi mới biết được lãi suất của mình phải trả là bao nhiêu. Hãy hỏi NH càng chi tiết càng tốt để có kế hoạch trả nợ và trả được nợ” - ông Nhung nói.
Nhưng với những khách hàng là cá nhân, hộ kinh doanh... theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, thì việc đánh giá khả năng trả nợ của mình rất khó. Trong khi khoản vay thường nhỏ hơn cho vay DN nhưng trong trường hợp không trả được nợ thì chi phí cho việc khởi kiện lớn nên đây là rủi ro của NH.
Chính vì lẽ đó, theo ông Minh, tốt nhất nếu thực sự cần thiết thì hãy vay vốn, còn không thì thôi. Bởi được biết nhiều khách hàng chưa thực sự muốn vay vốn nhưng thấy lãi suất rẻ quá nên nhảy vào vay mà không tìm hiểu kỹ các điều khoản của hợp đồng. “Còn nếu đã vay vốn thì phải lưu ý kỹ ngoài lãi suất ưu đãi thì lãi suất thả nổi được tính như thế nào nên ghi trong hợp đồng. Ngoài ra, phải biết nếu thanh toán trước hạn thì phí bồi hoàn lãi suất ưu đãi ra sao, phí phạt trước hạn là bao nhiêu... để tránh ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ” - ông Minh nói.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]