Liên quan tới quá trình xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2023, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Bộ KH&ĐT đã hoàn thành báo cáo để trình Chính phủ cho ý kiến về gói hỗ trợ.
Sau khi được Chính phủ thông qua, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ được trình Bộ Chính trị để xin chủ trương và trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp về cơ chế, chính sách (đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ).
Dự kiến, vào tháng 12 tới, Quốc hội sẽ họp chuyên đề xem xét nhiều nội dung, trong đó có việc xem xét thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
"Bộ KHĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ để đảm bảo hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 và trình các cấp có thẩm quyền xem xét", ông Phương khẳng định.
Không tiết lộ về quy mô của gói hỗ trợ, song Thứ trưởng Phương cho biết sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách hỗ trợ chính. Nhóm một là phòng chống dịch bệnh và công tác y tế, trong đó đề cập tới việc cung ứng vắc xin, biện pháp phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm, cách ly, điều trị... Tất cả giải pháp này đều cần tới kinh phí, đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện các gói giải pháp khác.
Nhóm hai là giải pháp an sinh xã hội thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là vừa phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo đời sống an sinh xã hội.
Nhóm ba là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung chủ yếu về giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí đã được thực hiện trong thời gian qua sẽ được nghiên cứu rà soát và tiếp tục thực hiện. Đồng thời, triển khai chính sách tiền tệ, cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất, có nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi.
Nhóm bốn là đẩy mạnh đầu tư công. Nhóm này có ý nghĩa kép là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời và có ý nghĩa lâu dài là tạo ra kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế.
Nhóm năm là giải pháp về quản lý điều hành, bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết nếu đề án phục hồi kinh tế được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023.
Nói về yếu tố các gói hỗ trợ chưa có tiền lệ về quy mô, cách thức, đối tượng, trao quyền…, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, sự hỗ trợ là cần thiết mà tất cả các quốc gia đều cần áp dụng. “Nhưng rủi ro là cũng chưa có tiền lệ. Do đó mà có nhiều điều chưa phù hợp ngay trong thiết kế và thực thi chính sách ví dụ những gói hỗ trợ ban đầu có quy mô quá nhỏ và thực thi thiếu hiệu quả, khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là trách nhiệm của công chức trong thiết kế và thực thi chính sách chưa phù hợp”, TS Võ Trí Thành phân tích – “Tin mừng là Chính phủ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ, thậm chí đang tính tới gói hỗ trợ lên tới 10% GDP. Điều cần lưu ý là làm sao vừa quản trị được rủi ro từ các chính sách này, đồng thời vừa thực hiện đúng-trúng”.
Đẩy mạnh đầu tư công làm vốn mồi phục hồi kinh tế.
Thách thức kiểm soát lạm phát
Về khó khăn trong năm 2022, Thứ trưởng Lê Quốc Phương, cho biết việc kiểm soát lạm phát sẽ là thách thức không hề nhỏ cho công tác điều hành. Lạm phát thế giới tăng lên, Việt Nam là nền kinh tế mở thì khó tránh khỏi ảnh hưởng. Đầu ra và đầu vào đều bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Theo TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện Trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, không thể phủ nhận áp lực lạm phát hiện nay nhưng vẫn chưa có quá nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam: "Theo tôi áp lực lạm phát là có và gồm nhiều nguyên nhân như giá xăng và nguyên vật liệu tăng…. Nhưng khả năng lạm phát tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam là chưa rõ vì chỉ số giá tiêu dùng vẫn có thể kiểm soát được".
Cùng chung nhận định, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, về cơ bản hiện lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát song cần lưu ý trong năm 2022: "Đa số dự báo quốc tế cũng như bản thân chúng tôi thấy năm tới 2022, lạm phát toàn cầu là khoảng 3,3% qua năm nay và so với mức khoảng 2% năm 2020.
Còn ở Việt Nam thì về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, còn tương đối thấp năm nay do chúng ta phục hồi chậm hơn và lạm phát bình quân mức khoảng 2,1% năm nay nhưng sẽ tăng tương đối nhanh trong năm tới có thể lên khoảng 4,7%".
Có thể thấy, dù lạm phát có thể chưa tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, song các chuyên gia đồng tình rằng trong năm tới, nguy cơ lạm phát dễ xảy ra và có nguy cơ tăng nhanh.
Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để kiểm soát lạm phát vào năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào các nhóm giải pháp điều hành, bao gồm: Chủ động thực hiện bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp, nhằm hạn chế mức tăng giá mặt hàng này lên CPI chung. Đối với các nguyên liệu đầu vào như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước và ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh hiện tượng tăng giá bất hợp lý.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]