Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 8 tín dụng ngoại tệ cả nước giảm 0,33%. Số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho biết 9 tháng dư nợ bằng ngoại tệ trên địa bàn đạt 133.630 tỷ đồng, chiếm 9,67% tổng dư nợ, giảm 15,67% so với cùng kỳ. Tín dụng ngoại tệ giảm một phần do nhu cầu vay vốn nhập khẩu thấp, một phần xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp (DN) đang chuyển sang mua thay vì vay ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá.
Tăng trưởng âm
Một nguyên nhân khiến tín dụng ngoại tệ tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm nay được cho do tác động từ Thông tư 24/2015 của NHNN, quy định việc vay vốn bằng ngoại tệ sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2016, khiến nhu cầu vay bị đứt quãng. Mặc dù sau đó NHNN đã ban hành Thông tư 07/2016 gia hạn cho vay ngoại tệ từ ngày 1-6-2016, nhưng vào cuối tháng 6, sự kiện Brexit đã khiến tỷ giá USD/VNĐ biến động mạnh, giới DN bắt đầu lo sợ rủi ro tỷ giá tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các khoản vay ngoại tệ, một số DN cũng đã trả nợ trước hạn để tránh rủi ro này.
Trước đây NHNN cam kết ổn định tỷ giá với mức tăng 2-3%/năm, trong khi lãi suất cho vay VNĐ 7-8%/năm, nên DN cảm thấy thiệt thòi khi không được vay USD. Nhưng khi NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm thả nổi theo thị trường và kéo giảm lãi suất VNĐ sẽ giảm tâm lý phụ thuộc USD. Trong bối cảnh kinh doanh có rủi ro giá cả và rủi ro tỷ giá biến động, các DN phải tự tính toán. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn CSTT quốc gia |
Qua 9 tháng năm 2016, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước giảm so với cùng kỳ năm trước như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 2,7%, điện thoại và linh kiện giảm 8%, xăng dầu giảm 14,1%, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu giảm 2,1%, hóa chất giảm 2,8%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 20,2%, bông giảm 4,6%.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015. Nhập khẩu tăng thấp đồng nghĩa nhu cầu vay ngoại tệ của các DN giảm, trong khi nhiều DN xuất khẩu có nhu cầu thanh toán trong nước trong 2 tháng bị đứt quãng không tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ đã chuyển sang vay VNĐ.
Theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đang được các NH áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 6-7%/năm, trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn USD ở mức 2,8-5%/năm. Thời điểm này, một số DN được NH áp dụng lãi suất vay USD ở mức 3%/năm dự kiến vẫn sẽ vay ngoại tệ để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng những DN phải vay USD với lãi suất 4-5%/năm cho biết sẽ tính toán thay thế bằng vay VNĐ, bởi hiện chênh lệch lãi suất cho vay giữa VNĐ và ngoại tệ đã được rút ngắn. Các NH như BIDV, Vietcombank vừa điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa chỉ 6%/năm, trong khi đó, một số NH còn thông báo sẽ cho vay VNĐ ngắn hạn với lãi suất bằng USD nếu DN cam kết bán lại USD cho NH sau khi nguồn thu về, nên nhiều DN lựa chọn vay VNĐ thay vì vay ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá cuối năm.
Phương án giảm rủi ro
Trong các tháng qua, huy động vốn ngoại tệ cũng đã giảm dần do trần lãi suất ngoại tệ về mức 0%. Tính đến đầu tháng 9, tổng vốn huy động trên địa bàn TPHCM đạt 1,74 triệu tỷ đồng, tăng 17,62% so cùng kỳ, trong đó vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 12,56%, giảm 8,78%. Vốn huy động VNĐ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu và ngày càng lớn trong tổng nguồn vốn ở mức 87,44%, tăng 22,72% so tháng cùng kỳ. Huy động ngoại tệ sụt giảm, các NH cũng khó đẩy mạnh cho vay ngoại tệ vì điều này sẽ tác động đến chênh lệch về kỳ hạn và các quy định về tỷ lệ an toàn và khả năng chi trả. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, NHNN đã gia hạn cho vay ngoại tệ song việc này sẽ chấm dứt vào ngày 31-12-2016, DN vẫn phải chuẩn bị tâm lý để tiến đến cơ chế mua đứt bán đoạn.
Theo đại diện một DN cơ khí điện, DN này nằm trong danh sách khách hàng ưu tiên được vay vốn USD của một NHTMCP lớn, nhưng NH này quy định nếu muốn vay vốn DN phải thông báo kế hoạch vay và khoản vay trước 30-60 ngày. Nhưng phía DN lại không chủ động được thời điểm nhập khẩu hàng nên yêu cầu của NH trở thành một điều khoản khó khăn, hơn nữa nếu chấp nhận còn phải đối mặt với rủi ro trong việc thanh toán vì tỷ giá diễn biến khó lường. Do đó, thay vì vay ngoại tệ, công ty này đang chuyển sang hình thức giao dịch qua các hợp đồng mua bán USD kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng.
Giám đốc khối nguồn vốn của một NHTMCP cho biết, hiện nay thay vì vay vốn ngoại tệ, rất nhiều DN đang sử dụng các sản phẩm phái sinh ngắn hạn như bán ngoại tệ kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro ngoại tệ mất giá. Từ năm 2012 đến đầu năm 2015, tỷ giá USD/VNĐ biến động với biên độ rất hẹp, đồng thời chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn ngắn và dài rất cao hỗ trợ nhiều cho các sản phẩm tài chính phái sinh dài hạn như kỳ hạn 12 tháng. Thậm chí một số DN còn sử dụng sản phẩm hoán đổi lãi suất tiền tệ chéo, hoán đổi lãi suất khoản vay VNĐ sang lãi suất khoản vay USD có kỳ hạn từ 2-3 năm và đã thu được lợi nhuận tài chính.
Song, từ giữa năm 2015 đến nay tỷ giá USD/VNĐ biến động mạnh và có sự linh hoạt hơn theo thị trường khi NHNN điều hành chính sách tỷ giá theo tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày, cộng với diễn biến trên thị trường lãi suất là chênh lệch lãi suất giữa các kỳ không còn nhiều, các DN đã kịp chuyển sang các sản phẩm dài hạn sang các sản phẩm ngắn hạn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]