Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê
Mức tăng CPI tháng 7 của cả nước tuy cao hơn hẳn mức tăng của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM đã công bố trước đây vài ngày nhưng vẫn thấp hơn mức tăng CPI cả nước trong tháng 6 (0,30%).
Điều này cũng dễ lý giải bởi không giống như tháng 7, tháng trước, Tp.HCM đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo thông tư 04 của liên bộ Tài Chính - Y tế nên đã ảnh hưởng khá lớn đến CPI.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như trên chỉ ảnh hưởng đến CPI một lần duy nhất tại tháng nó bắt đầu có hiệu lực còn việc điều chỉnh các mặt hàng khác, nhất là các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu sẽ tác động lâu dài đến mặt bằng giá cả chung, điển hình là giá xăng.
Tính từ cuối năm trước, giá xăng đã tăng liên tục 6 lần với mức tăng tổng cộng 1.800 đồng/lít, là nhân tố chính đẩy chỉ số giá nhóm giao thông tăng 3,2% sau 7 tháng, trở thành nhóm có mức tăng cao nhất trong các nhóm hàng tính chỉ số.
Ngoài ra, theo nhận định của một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê, kể từ tháng 3 năm nay, xu hướng tăng liên tục của giá thực phẩm với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước đã đang và sẽ tiếp tục nhận được “động lực” từ giá xăng đang ở mức cao kỷ lục như hiện nay.
Ngoài ra, việc tăng giá xăng liên tục gây những ảnh hưởng đến sức cầu của người tiêu dùng vốn đang ở mức thấp như hiện nay. Đó sẽ là nhân tố tác động mạnh đến CPI chung trong thời gian tới.
Trở lại diễn biến giá cả trong tháng, nhờ lực đẩy từ việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu các loại ngày 23/6/2014 và 7/7/2014, chỉ số giá nhóm giao thông đã tăng cao nhất ở mức 0,44% so với tháng trước.
Cũng do quy định về ngày tính giá của cơ quan thống kê nên những điều chỉnh giảm giá dầu ngày 18/7/2014 chưa ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng này.
Tăng mạnh thứ hai thuộc về nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt với mức tăng 0,43% so với tháng trước trong đó giá gas bán lẻ được điều chỉnh tăng từ ngày 1/6/2014 và thời tiết nắng nóng khiến lượng tiêu thụ điện và nước tăng cao hơn ngày thường.
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất cũng có mức tăng đáng kể 0,26% trong đó lương thực giảm 0,63%, thực phẩm tăng 0,58% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,09% so với tháng trước.
Cả hai vựa lúa chính của cả nước là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ Đông Xuân với năng suất và sản lượng đều cao hơn với cùng kỳ năm trước đã cung cấp thêm nguồn cung vốn dĩ đã dồi dào cho thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu nội địa ổn định và nhu cầu xuất khẩu vẫn đang ở mức thấp là những áp lực khiến giá lương thực trong nước nối tiếp đà giảm tháng thứ 5 liên tiếp .
Trái ngược với đó, giá thực phẩm vẫn tiếp đà tăng của 3 tháng trước do các áp lực về chi phí đầu vào như thức ăn, vận chuyển đang ở mức cao.
Trong tháng, kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng diễn ra ở một số địa phương nên lượng học sinh và phụ huynh đổ về các địa phương này tăng đột biến cũng góp phần khiến chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0.09% so với tháng trước.
Các nhóm hàng khác tăng nhẹ, duy có nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm tháng thứ 7 liên tiếp ở mức giảm 0,01% so với tháng trước.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ đã cùng tăng giá so với tháng trước ở các mức tương ứng 1,38% và 0,36%.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]