Trong những năm tháng giá thương phẩm bùng nổ, nhiều quốc gia giàu dầu mỏ thu về nhiều tỷ USD và đầu tư vào trái phiếu Mỹ và các loại chứng khoán khác. Họ cũng thường xuyên đầu tư vào tài sản hữu hình như các toà nhà chọc trời tại Manhattan, New York, nhà cửa hạng sang tại London hay Câu lạc bộ Paris Saint-Germain của Pháp.
Hiện nay khi giá dầu giảm đến một nửa và chỉ còn khoảng 50 USD một thùng, Saudi Arabia và các quốc gia giàu dầu mỏ khác đang nhanh chóng bán đi khối tài sản có được nhờ “USD dầu” này.
Một vài nước như Angola đang bán đi nguồn tài sản dự trữ với tốc độ kỷ lục, khiến thanh khoản trên thị trường thế giới ít nhiều bị ảnh hưởng, theo Bloomberg.
Nếu dầu thô và các thương phẩm khác tiếp tục đà giảm giá, xu hướng này sẽ khiến cầu đối với mọi thứ, từ trái phiếu chính phủ châu Âu đến bất động sản Mỹ, sụt giảm bởi các nước xuất khẩu thương phẩm tìm cách bán tài sản để bù vào thâm hụt ngân sách.
“Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, các quốc gia OPEC đang làm giảm tính thanh khoản của thị trường thay vì tăng thanh khoản nhờ các khoản đầu tư của họ”, ông David Spegel, trưởng bộ phận nghiên cứu tín dụng quốc gia của các thị trường mới nổi tại BNP Paribas SA, cho biết.
Saudi Arabia, nước sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới, là điển hình cho tốc độ và quy mô của đợt bán tài sản này. Theo số liệu của Cơ quan Tiền tệ Saudi Arabia, trong tháng 2, nguồn dự trữ ngoại hối của nước này giảm 20,2 tỷ USD - đây là mức giảm theo tháng mạnh nhất trong vòng 15 năm qua.
Hiện tài sản dự trữ của các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu thương phẩm giảm nhanh hơn đợt giá giảm gần đây nhất là năm 2008-2009.
Theo dự báo của Mỹ, trừ Iran bị cấm vận, các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ thu về 380 tỷ USD từ bán dầu trong năm nay, giảm tới 305 tỷ USD so với năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử.
“Đó là cú sốc vô cùng lớn cho những nước nhiều giàu mỏ,” trưởng nhóm nghiên cứu thương phẩm của IMF Rabah Arezki tại Washington nhận định.
Dự báo trong năm nay các nước này sẽ bán đi khối tài sản trị giá 200 tỷ USD để bù vào ngân sách bị thâm hụt do giá dầu giảm.
Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về tác động của làn sóng bán tài sản này lên thị trường thế giới.
Một luồng ý kiến cho rằng lượng tài sản bán ra của các nước nhiều dầu mỏ không đủ lớn để ảnh hưởng đến toàn thị trường, bởi trên thị trường còn có rất nhiều khoản đầu tư từ các quỹ hưu trí, công ty quản lý tài sản, công ty bảo hiểm. Ngoài ra, với chương trình kích thích kinh tế, một số ngân hàng trung ương cũng đang mua lại trái phiếu.
Một quan điểm khác, và được IMF ủng hộ, là làn sóng bán tài sản có tác động mạnh đến tâm lý thị trường.
Sự bất đồng giữa hai quan điểm này một phần do sự thiếu minh bạch. Việc theo dõi những biến đổi về nguồn dự trữ từ tiền bán thương phẩm của các quốc gia gặp nhiều khó khăn bởi không phải nước nào cũng công bố dữ liệu kịp thời. Một vài nước thậm chí không công bố quy mô của các quỹ tài sản quốc gia.
Các nhà phân tích dự báo trong năm nay những quốc gia dựa vào xuất khẩu thương phẩm sẽ tiếp tục bán tài sản.
Nhà kinh tế Arezki của IMF nhận định trừ khi các quốc gia này giảm chi tiêu, nếu không “sẽ không có lựa chọn nào khác là bán tài sản tài” bởi giá dầu hiện đã ở dưới mức nhiều nước xuất khẩu cần để đảm bảo an ninh tài khoá.
IMF ước tính nhiều nước chỉ có thể cân đối ngân sách nếu giá dầu thô phục hồi lên mức tối thiểu 75 USD.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]