GDP của Việt Nam đã liên tục tăng trưởng nhanh trong hơn 20 năm qua, với tốc độ tăng bình quân khoảng 7%/năm, cao vào bậc nhất thế giới.
Từ một nước có thu nhập thấp khoảng 98 USD/người vào năm 1999, đã tăng lên 400 USD/người vào năm 2000 và năm 2010 là 1200 USD/người; năm 2015 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2200 USD/người.
Tụt hậu xa hơn với thế giới?
Mở cửa kinh tế cũng đã có những “đột biến” khi xuất nhập khẩu/GDP đã tăng hơn 150%, với xuất khẩu năm 2014 lên tới 150 tỷ USD và GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 2050 USD. Huy động vốn đầu tư, phần vốn bên ngoài cũng chiếm đến 1/3, bao gồm cả vốn ODA với 80 tỷ USD và vồn FDI là 150 tỷ USD…
Đã có những chuyển dịch nhất định về cơ cấu ngành sang hướng phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ. Đến nay cơ cấu nông nghiệp chỉ còn dưới 20%GDP, công nghiệp và dịch vụ trên 80%GDP.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày nay, để tăng trưởng cao 9 – 10%, PGS-TS Nguyễn Quang Thái, chuyên gia Kinh tế của Hội Kinh tế Việt Nam, cho rằng rất khó để Việt Nam có thể đạt được. Nguyên nhân chính là do chất lượng tăng trưởng còn kém, năng suất, hiệu quả không cao.
“Thành quả đạt được dưới tiềm năng trong điều kiện mô hình tăng trưởng kiểu cũ, sức cạnh tranh được cải thiện chậm, có mặt kém đi. Ngay tăng trưởng kinh tế cũng đã sụt giảm khá nhiều, dù đã có bước khôi phục nhưng chưa đạt được mức bình quân 7%/năm của nhiều năm trước. Các ngành kinh tế cũng đang tăng trưởng chậm lại, bình quân dưới 7%/năm” – GS.TS. Thái đánh giá.
Dẫn đến, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức thấp. Năm 1990, khoảng cách về GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với thế giới là 4000 USD, thì năm 2014 khoảng cách này tăng gấp đôi là 8000 USD. Cho dù GDP/người của Việt Nam đã tăng lên 2000 USD, song GDP/người của thế giới tăng vượt lên 10.000 USD.
Cùng quan điểm cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tụt hậu xa hơn so với thế giới, PGS. TS. Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế dẫn chứng ngành nông nghiệp dù đã có bước phát triển, nhưng tăng trưởng lại chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, hàm lượng đổi mới công nghệ và chất lượng thấp, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm diễn ra chậm chạm.
2050 Việt Nam mới đuổi kịp thế giới?
Đối với ngành công nghiệp, chiến lược “cái gì cũng muốn làm” khiến cho Việt Nam không làm được ngành công nghiệp nào cho “đến nơi đến chốn”. Hoặc với lĩnh vực dịch vụ, điều đáng quan ngại theo PGS. TS. Bá là tăng trưởng của ngành trong những năm qua không tăng, thiếu các dịch vụ đa dạng, chưa tạo môi trường tốt cho nền kinh tế phát triển.
Ngoài ra, những thách thức của nền kinh tế như chi phí đầu vào của Việt Nam có xu hướng tăng dần khi để tạo ra 1 đồng GDP năm 2007 cần tới 0,13 đồng (năm 1996 là 0,07 đồng); hiện quả đầu tư còn thấp khi hệ số ICOR ở mức cao và tăng dần với 6,99 giai đoạn 2011 – 2013; năng suất lao động ở mức thấp; trình độ công nghệ chưa cao…
Thực tế trên đang khiến cho Việt Nam tụt hậu xa hơn so với các nước. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt trên 2000 USD, song vẫn chỉ tương đương với GDP bình quân của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993; Indonesia năm 2010 và Hàn QUốc năm 1982. Như vậy, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30 – 35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm; Thái Lan khoảng 20 năm…
Theo tính toán của GS. Thái, đến năm 2035 GDP/người của Việt Nam mới có thể đạt hơn 10.000 USD, hoặc 15.000 USD theo sức mua tương đương, tức là tương đương trình độ của Malaysia hiện nay. Do đó, GS. Thái cho rằng tiêu chí để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là quá tham vọng.
“Theo tiêu chí của kinh tế tri thức (KEI), các năm 2008 – 2012 Việt Nam vẫn đứng thứ 102/103 thế giới. Dẫn theo dự báo của ADB (PV-Ngân hàng Phát triển châu Á) thì vào năm 2050 Việt Nam trong điều kiện thuận lợi mới bằng thế giới” – ông Bá nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]