Kiểm đồng USD và nhân dân tệ tại ngân hàng ở Sơn Đông. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết dự trữ ngoại tệ của nước này đã tăng lên mức kỷ lục mới 3.820 tỷ USD vào cuối năm 2013, so với con số 3.660 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2013.
Trung Quốc đạt được thành tích này sau khi đạt thặng dư thương mại 259,75 tỷ USD năm 2013, tăng 12,8% so với năm 2012 và là mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu xảy ra vào năm 2008.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc liên tục tăng nhờ thặng dư thương mại khổng lồ trong nhiều năm qua khi nước này vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự bất đồng của Trung Quốc với các nền kinh tế phương Tây do cho rằng Trung Quốc đã duy trì tỷ giá đồng nội tệ thấp để làm cho hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn và có lợi thế cạnh tranh không công bằng.
Tuy vậy, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã tăng chậm lại trong thời gian gần đây khi các thị trường xuất khẩu của nước này như châu Âu và Mỹ gặp khó khăn về kinh tế, trong khi đồng nhân dân tệ đã tăng giá đều đặn so với USD.
Các nhà phân tích cho rằng một phần mức tăng ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc trong năm 2013 là nhờ các luồng vốn đầu cơ chảy vào nước này dưới hình thức xuất khẩu hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo các nhà kinh tế của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, dòng tiền nóng (chảy vào Trung Quốc) có thể vẫn còn mạnh trong thời điểm hiện nay vì mức lãi suất ở Trung Quốc gia tăng, đồng nhân dân tệ đang tăng giá và lòng tin gia tăng về sức mạnh của đồng tiền này, bất chấp việc Mỹ cắt giảm quy mô chương trình kích cầu khổng lồ.
Một báo cáo mà Chính phủ Trung Quốc công bố trong tháng 12/2013 cho hay Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng trưởng 7,6% năm 2013, thấp hơn so với mức tăng 7,7% năm 2012, và là số liệu thấp nhất trong 13 năm qua.
Theo kế hoạch, Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố số liệu tăng trưởng GDP năm 2013 vào ngày 20/1 tới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế nước này từ việc phụ thuộc nhiều vào đầu tư công và xuất khẩu sang nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy vậy, đây có vẻ là một nhiệm vụ khá khó khăn và tốn nhiều thời gian.
PBoC cho biết các ngân hàng Trung Quốc đã dành 8.890 tỷ nhân dân tệ (1.470 tỷ USD) tín dụng mới trong năm 2013, tăng 687,9 tỷ nhân dân tệ so với năm 2012 và cao hơn con số mục tiêu chính thức 8.500 tỷ nhân dân tệ đề ra hồi đầu năm 2013.
Chỉ trong tháng 12/2013, các ngân hàng đã cấp 482,5 tỷ nhân dân tệ tín dụng mới, giảm so với con số 624,6 tỷ nhân dân tệ của tháng 11/2013.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê, năm 2013, Trung Quốc có 26 tỉnh thành điều chỉnh mức lương tối thiểu, bình quân tăng 18%. Năm 2013, điều chỉnh tăng thu nhập chủ yếu tập trung vào nhóm người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Theo kết quả thống kê, 26 tỉnh thành điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2013 là Bắc Kinh, Triết Giang, Hà Nam, Quý Châu, Thiểm Tây, Sơn Đông, Giang Tây, Quảng Tây, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiên Tân, Sơn Tây, Thượng Hải, Quảng Đông, Vân Nam, Tân Cương, Tứ Xuyên, Giang Tô, Cát Lâm, Liêu Ninh, An Huy, Phúc Kiến, Nội Mông Cổ, Hồ Nam, Hải Nam và Thâm Quyến, trong đó Thượng Hải có mức lương tháng tối thiểu cao nhất là 1.620 nhân dân tệ (khoảng 270 USD), Bắc Kinh và Tân Cương có mức lương tính theo giờ tối thiểu cao nhất đều là 15,2 nhân dân tệ (hơn 2,5 USD).
Mức tăng lương tối thiểu bình quân của 26 tỉnh thành là 18%, tương đương với mức tăng của năm 2012 và thấp hơn 22% của năm 2011. Số liệu cho thấy mức tăng này phù hợp với tốc độ tăng trưởng lương nói chung trong doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo báo cáo điều tra mới công bố, tốc độ tăng lương trong doanh nghiệp năm 2013 chỉ đạt 8,5%, con số này liên tục giảm trong ba năm qua, năm 2011 có mức tăng cao nhất là 11,6%.
Theo Anh Quân - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]