Tác giả của bài viết này là Michael Ivanovitch – Chủ tịch của MSI Global, một công ty nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại New York. Ông cũng là chuyên gia kinh tế cao cấp của OECD, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Fed New York và đồng thời đang giảng dạy về kinh tế tại Columbia.
Được khuyến khích bởi những số liệu kinh tế có phần lạc quan trong thời gian gần đây của Trung Quốc, tín hiệu tích cực của thị trường lao động Mỹ và các chính sách nới lỏng tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới, nhà đầu tư toàn cầu giờ đây đang chú ý đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tác giả bài viết này cho rằng mức giá hấp dẫn của thị trường chứng khoán sẽ giúp Đông Á thu hút nguồn vốn từ Mỹ và eurozone – những thị trường đang tỏ ra khá đắt đỏ. Điều này có xảy ra hay không phụ thuộc vào diễn biến của các nền kinh tế Đông Á, tốc độ “bình thường hóa” chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu. Cuối cùng và cũng quan trọng nhất là hòa bình và hoạt động thương mại không bị cản trở ở khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế thế giới.
Viễn cảnh lạc quan
Trung Quốc đang tiếp tục chứng minh rằng nước này làm khá tốt khi đối mặt với thách thức phải duy trì tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thực hiện nhiều cải cách sâu rộng gắn liền với những biến đổi về mọi mặt kinh tế xã hội. Tỷ trọng đóng góp của tiêu dùng, đầu tư và dịch vụ trong tổng cầu tăng lên là kết quả tất yếu của quá trình chuyển đổi này.
Hoạt động thương mại bùng nổ vẫn sẽ là nhân tố chủ chốt tạo nên tăng trưởng kinh tế của Đông Á.
Các nhà xuất khẩu Đông Á cũng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc thâm nhập thị trường Mỹ khá dễ dàng. Trong 5 tháng đầu năm 2014, Đông Á đã xuất khẩu khối lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá tổng cộng 161,5 tỷ USD vào thị trường Mỹ, tăng 5,4% so với 1 năm trước.
Có vẻ như người ta đã lo lắng quá mức về hệ quả của việc Mỹ và eurozone “bình thường hóa” chính sách tiền tệ. Do đó, giờ đây Đông Á có thể “thở phào” và tận hưởng thanh khoản chảy vào các thị trường. Trong bối cảnh này, Nhật Bản và Indonesia là những câu chuyện khá thú vị để theo dõi.
Tháng 5 vừa qua, tỷ lệ lạm phát ở Nhật Bản chạm mốc 3,4% - cao nhất trong 32 tháng. Đây là câu chuyện hoàn toàn khác so với mức giảm phát -0,3% của 1 năm về trước. Tuy nhiên, thu nhập thực của các hộ gia đình sụt giảm và thuế kinh doanh tăng lên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả khảo sát quý II cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đã liên tục giảm trong suốt 6 quý gần đây.
Trong khi đó, Indonesia là nơi mà nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. Thị trường Jakarta là nhân vật được nhiều người ủng hộ và được dự đoán sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Nếu điều này xảy ra, Indonesia sẽ thực hiện nhiều chính sách nhằm cải cách và hiện đại hóa quốc gia với 13.446 đảo lớn nhỏ và 247 triệu dân.
Hầu hết những người thường xuyên theo dõi châu Á sẽ tin rằng những “ngôi sao” của khu vực sẽ không bị ảnh hưởng bởi những xung đột trên biển giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng. Họ cho rằng hòa bình hữu nghị vẫn sẽ tồn tại. Hãy hi vọng rằng cảm nhận đó là đúng.
Tăng trưởng vững chắc của Trung Quốc, triển vọng kinh tế được cải thiện của Mỹ và dự đoán về chính sách tiền tệ nới lỏng ở Mỹ và eurozone chính là những nhân tố hiện hữu tác động tích cực đến các nền kinh tế và thị trường tài sản ở Đông Á.
Về dài hạn, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến những nền kinh tế Đông Á phụ thuộc chủ yếu và lực cầu nội địa và có thâm hụt các cán cân ở mức thấp. Hai điều kiện này sẽ đóng vai trò quan trọng khi con sóng lại một lần nữa ập tới sau khi Mỹ và châu Âu chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]