Từ đầu năm đến nay chỉ có 8 doanh nghiệp mới niêm yết trên cả 2 sàn. Số lượng không tăng mà còn sụt giảm nghiêm trọng, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp đang ngại lên sàn.
Theo dự báo đến cuối năm, mọi thứ cũng chẳng có gì khởi sắc vì rất ít doanh nghiệp nộp hồ sơ lên sàn thời điểm này.
Có thể nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà lên sàn chính là sự lình xình, thất thường của thị trường chứng khoán (TTCK). Hiện tại, mọi thứ vẫn còn vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên sàn làm ăn kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng. Số khác thì phải giải thể, phá sản, cộng với khả năng tìm vốn không mấy khả quan, nên doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà cho lắm.
Thị trường ngày càng teo tóp
Theo thống kê, khi TTCK khởi sắc, số lượng doanh nghiệp lên sàn luôn tăng mạnh, chứ không sụt giảm nghiêm trọng như hiện nay. Vào cuối năm ngoái, sàn Hà Nội có 398 doanh nghiệp niêm yết thì đến bây giờ chỉ còn 388, vậy là đã có 10 doanh nghiệp "biến mất" khỏi sàn.
Theo thông tin trên cả 2 sàn, số hồ sơ đăng ký niêm yết rất lèo tèo, nhiều doanh nghiệp cũng rất cân nhắc khi quyết định lên sàn. Hiện tại, TTCK đang lình xình, chưa có gì là khởi sắc, khiến cho việc huy động vốn vô cùng khó khăn, giá cổ phiếu cũng không dễ tăng sau khi chào sàn.
Hơn nữa, tiêu chuẩn niêm yết đã có nhiều thay đổi theo hướng nâng cao từ vốn điều lệ đến quy định về tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm liền trước phải trên 5%, có lãi 2 năm liên tiếp, không có nợ quá hạn… nên có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết.
Một yếu tố khác là vốn huy động trên TTCK cũng giảm mạnh. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, huy động vốn 6 tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp chỉ đạt 2.344 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái ngược với sự sụt giảm của doanh nghiệp lên sàn, số doanh nghiệp bị hủy niêm yết lại tăng lên nhiều với 21 doanh nghiệp trên cả 2 sàn. Việc làm ăn, kinh doanh ngày càng khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải rời sàn.
16 công ty bị hủy niêm yết bắt buộc, đa phần đều do lỗ 3 năm liên tiếp và lỗ vượt vốn chủ sở hữu. 3 doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện, 1 đơn vị do áp lực từ cổ đông nước ngoài không muốn tiếp tục niêm yết. Còn nguyên nhân nữa là do giá cổ phiếu liên tục bị sụt giảm cho dù kinh doanh vẫn tốt nên quyết định rời sàn.
Cảng Quy Nhơn cho thấy lĩnh vực kinh doanh dịch vụ
tại cảng vẫn rất hấp dẫn
Giám đốc 1 doanh nghiệp niêm yết trên sàn Tp.HCM, cho biết doanh nghiệp ông kinh doanh bất động sản, xây dựng, chào sàn cách đây 3 năm, gần 3 chấm, giờ chỉ còn trên 3.000 đồng/cổ phiếu. Thị trường trầm lắng, đã không huy động được cổ phiếu mà thị giá sụt giảm đến mức khủng hoảng. Hiện công ty đang trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", lùi không được, tiến chẳng xong. Nếu xin huỷ niêm yết thì sẽ gây tì vết, để lại hình ảnh xấu với cổ đông và nhà đầu tư (NĐT), sau này khó thể trở lại.
Điểm mặt "anh hùng"
Trong khi TTCK đang phải đối mặt với tình trạng doanh nghiệp bị huỷ niêm yết ngày càng nhiều mà vẫn có đơn vị mạnh dạn lên sàn lúc khó khăn. Các doanh nghiệp này được coi như "anh hùng" đối mặt với khó khăn để nâng cao khả năng quản trị, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông, cũng như tin tưởng khả năng huy động vốn từ thị trường trung và dài hạn…
Thực tế, họ không phải là doanh nghiệp lớn đủ khả năng khuấy động thị trường, nhưng vẫn phải ghi nhận với tinh thần dũng cảm trong kinh doanh. Đặc biệt, thị trường bất động sản đang đóng băng nhưng vẫn có 3 doanh nghiệp niêm yết lần đầu. Trong đó có cổ phiếu NLG của "đại gia" bất động sản - Công ty CP Nam Long, có vốn điều lệ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu khác thuộc dòng nhỏ và vừa như FCM, DHP, SHA, TTZ… đã điều chỉnh giảm khá sâu so với giá chào sàn lúc đầu. Cổ phiếu đã tăng với mệnh giá cao có HLD, thậm chí cổ phiếu HAR, có lúc tăng nóng đến 200%, từ 14.000/cổ phiếu lên đến gần 40.000 đồng/cổ phiếu, giờ đã sụt giảm mạnh về khoảng hơn 7.000 đồng/cổ phiếu.
Một số doanh nghiệp mới niêm yết lần đầu như Công ty Hóa chất cơ bản Miền Nam công bố trên sàn HSX đã thu hút gần 400 nhà đầu tư tham gia đấu giá. Trong đó có 3 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 3 tổ chức nước ngoài đăng ký khối lượng mua hơn 27.000.000/cổ phần.
Chính sự thành công này phần nào an ủi thảm cảnh èo uột của thị trường. Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn bán đấu giá 4,04 triệu cổ phần, nhưng đã có đến 100 NĐT đăng ký mua lên tới 9.053.188 cổ phần. Thời gian tổ chức đấu giá sẽ là thứ 5 ngày 12/9/2013, nhằm đưa vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 404 tỷ đồng.
Trong khi thị trường niêm yết giảm giá nặng nề với những doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt, đạt chất lượng cao thì khả năng thu hút dòng tiền sẽ rất lớn. Tại Công ty Hóa chất cơ bản Miền Nam, 3 năm qua, doanh thu và lợi nhuận vẫn đạt mức cao, đây là lĩnh vực đặc thù nên mức cạnh tranh không cao. Còn Cảng Quy Nhơn, dù bán với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phiếu, cho thấy lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tại cảng vẫn rất hấp dẫn. Đây là đơn vị luôn dẫn đầu khu vực miền Trung và đứng thứ 3 toàn quốc về sản lượng hàng hóa.
Các doanh nghiệp mới niêm yết đều cho rằng khi lên sàn không phải trông chờ vào giá cổ phiếu tăng hay có thể huy động vốn ngắn hạn. Mục tiêu lâu dài là tạo thanh khoản cho cổ phiếu, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông và nâng cao năng lực quản trị, chấp hành nguyên tắc niêm yết.
Như vậy, thị trường dù có lên xuống, gập ghềnh, doanh nghiệp có băn khoăn ngại lên sàn thì chứng khoán vẫn là kênh đặc thù nhất. Cho dù sau niêm yết, cổ phiếu có giảm về dưới mệnh giá, nhưng nếu là doanh nghiệp làm ăn tốt, có kế hoạch, chiến lược phát triển bài bản thì vẫn có thể huy động vốn trên sàn.
Khi TTCK khởi sắc, sôi động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sản xuất - kinh doanh tốt hơn, thì chính các doanh nghiệp chưa niêm yết sẽ mất đi cơ hội huy động vốn trên thị trường.
Theo Sơn Long
Thời báo kinh doanh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]