Quy định về khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ không quá 20% tiềm ẩn một số khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Chính thức "siết" quản lý thuế với giao dịch liên kết
Nằm trong khuôn khổ kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam và nỗ lực chống thất thu thuế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, thay thế quy định hiện hành được tuân theo Thông tư 66/2010/TT-BTC. Có hiệu lực từ ngày 1/5/2017, Nghị định 20 đang gây xôn xao trong cộng đồng doanh nghiệp khi hạn chế khả năng điều chuyển vốn bởi quy định khống chế phần lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập nếu doanh nghiệp phát sinh quan hệ liên kết.
Cụ thể, theo khoản 3 điều 8 của Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không được vượt quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao). Theo lý giải của Bộ Tài chính, quy định này được đề ra là do một số doanh nghiệp thời gian qua đã lợi dụng chi phí lãi vay là chi phí hợp lý nên “tích cực” đi vay ngân hàng để phục vụ cho các mục đích nằm ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Điều này về lâu về dài dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mất cân đối tài chính, không trả được nợ, kinh doanh thua lỗ và khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây đều là những hành vi “cố ý” lách luật, bởi với phần lớn doanh nghiệp trong nước, nguồn vốn vay ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn rất cần thiết. Số liệu tổng hợp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam tính đến cuối năm 2014 cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ ở mức cao, khoảng 6 - 7 lần, có những doanh nghiệp lên đến 9 - 10 lần do đặc thù của ngành là gia công, cần vốn để mua nguyên vật liệu, máy móc sản xuất các đơn hàng. Đối với ngành thép, nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng chiếm đến 50 - 60%.
Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, hiếm có doanh nghiệp nào lại không phát sinh giao dịch liên kết bởi điều này nhằm mục tiêu mở rộng quy mô hoạt động, tối ưu hóa nguồn vốn để phát triển lâu dài. Việc áp dụng quy định “cứng” trên sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đã, đang và sẽ có ý định đầu tư chính đáng, đặc biệt vào lĩnh vực hạ tầng xã hội như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục.
Lấy ví dụ nếu một tập đoàn muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc y tế, đơn vị này sẽ phải đi huy động vốn, sau đó dùng vốn đó rót cho công ty con để đầu tư. Nguyên nhân là do còn non trẻ, công ty con chưa thể tiếp cận ngay với nguồn vốn từ bên ngoài. Giả sử tổng chi phí đầu tư ban đầu là 100 tỷ đồng, với mức lãi suất khoảng 10%/năm, chi phí lãi vay trong năm đầu sẽ là 10 tỷ đồng. Điều này có nghĩa để được khấu trừ thuế theo quy định của Nghị định 20, EBITDA trong kỳ của công ty con phải tối thiểu 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với một doanh nghiệp mới lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc y tế, việc đạt được mức lợi nhuận như vậy trong những năm đầu là “bất khả thi”, dẫn đến doanh nghiệp phải gánh thêm 1 khoản lớn chi phí không được khấu trừ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh ngay từ lúc mới khởi nghiệp. Thậm chí, công ty mẹ cũng sẽ bị ràng buộc bởi tỷ lệ 20% vì đã phát sinh giao dịch với đơn vị liên kết.
"Hệ quả là các doanh nghiệp sẽ ngại dấn thân vào các lĩnh vực có tiềm năng hoặc hạn chế mở rộng quy mô, bởi Nghị định 20 có nhiều rào cản trói buộc. Điều này sẽ mâu thuẫn với định hướng là Việt Nam cần có những tập đoàn kinh tế lớn mạnh để làm trụ đỡ cho nền kinh tế", vị chuyên gia cho biết.
Lo khó tiếp cận nguồn vốn
Theo mô hình các tập đoàn kinh tế hiện đại, công ty mẹ sẽ có hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn với tỷ lệ trên 51%. Các ban tài chính, đầu tư sẽ nằm ở đầu não (công ty mẹ), chịu trách nhiệm chuyển tiếp các nguồn vốn (vốn tự có, vốn đi vay, vốn phát hành cổ phần) tới các công ty con để đảm bảo tối ưu hiệu quả. Đặc biệt, các đối tác nước ngoài như ngân hàng, quỹ đầu tư cũng chỉ đánh giá tiềm lực tài chính của cả nhóm công ty và thực hiện cho vay với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con.
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, với quy định tại Nghị định 20, mô hình tập đoàn kinh tế sẽ không được khuyến khích phát triển, bị giảm khả năng cạnh tranh và khó tiếp cận với các nguồn vốn quốc tế giá rẻ. Đặc biệt, tình hình sẽ xấu hơn khi các doanh nghiệp nước ngoài vốn không bị ràng buộc bởi Nghị định 20 có thể sẽ “lợi dụng” tình hình này để càng lấn át các doanh nghiệp trong nước. Phản ứng dây chuyền cũng sẽ lan tới hệ thống ngân hàng bởi doanh nghiệp hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay, ảnh hưởng đến nguồn thu của các nhà băng.
Trên thế giới, quy định khống chế trần lãi vay tại các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết đã được OECD áp dụng, tuy nhiên có độ mở và linh hoạt hơn so với Nghị định 20. Cụ thể, OECD sẽ tính mức trần trên chi phí lãi vay ròng, tức là bằng khoản thu được từ hoạt động cho vay các doanh nghiệp liên kết trừ đi khoản phải trả nếu đi vay từ các đơn vị này.
OECD cũng cho phép doanh nghiệp chuyển sang kỳ sau chi phí lãi vay bị loại vì vượt quá mức khống chế, đồng thời áp dụng thêm một tỷ lệ biến động bên cạnh mức trần là 20%. Theo đó, nếu chi phí lãi vay với bên thứ 3 vượt quá 20% EBITDA trên báo cáo hợp nhất toàn tập đoàn thì cho phép áp dụng tỷ lệ này cho từng công ty thành viên trong tập đoàn. Báo cáo hợp nhất cần được kiểm toán độc lập để đảm bảo sự tin cậy. Trường hợp tập đoàn có công ty thành viên có EBITDA âm hoặc thậm chí EBITDA của tập đoàn âm thì công ty thành viên sẽ vẫn được khấu trừ toàn bộ chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ nếu tổng chi phí lãi vay được khấu trừ không vượt quá tổng chi phí lãi vay của tập đoàn từ bên thứ 3.
Ngoài ra, Chương trình hành động BEPS (chống xói mòn nguồn thu) cũng khuyến nghị các nước cần cho phép doanh nghiệp đủ thời gian sắp xếp lại nguồn vay. Nhưng tại Việt Nam, khảo sát cho thấy, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp chưa hoàn toàn cấu trúc lại khoản mục này bởi Nghị định mới ban hành tháng 2/2017 và đến tháng 5/2017 đã có hiệu lực.
Trao đổi về ảnh hưởng của việc khống chế chi phí tài chính kể trên, chuyên gia của Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) bày tỏ lo ngại, nếu theo quy định như thế có nghĩa là doanh nghiệp không có lãi hoặc lãi thấp xem như mất trắng chi phí lãi vay!? Ngoài ra, không kích thích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mới vì không ai có đủ tiền túi để đứng ra kinh doanh.
Chuyên gia này phân tích thêm: “Một điều cần lưu ý, chính sách này chỉ hướng đến ngăn chặn gian lận mà không nghĩ đến việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi đưa vào lưu thông tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho xã hội. Điều này sẽ làm mất đi khả năng hội tụ nguồn lực để gia tăng quy mô và vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Về dài hạn sẽ khiến cho doanh nghiệp trong nước khó lớn mạnh và không thể cạnh tranh với tập đoàn lớn nước ngoài vốn quy mô lớn và lợi thế về tài chính".
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]