Ít ai biết, những bí mật trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng lại là kẻ hở ngon ăn cho đại gia thủy sản Phương Nam – ông Lâm Ngọc Khuân tung hoành sử dụng vốn vay từ đống giấy lộn mang tên “hàng tồn kho tôm đông lạnh”.
5 ngân hàng thế chấp một kho tôm
Chỉ với một kho tôm đông lạnh tồn kho, Công ty Phương Nam đã “nhân bản” thành nhiều bộ hồ sơ để vay tiền 5 tổ chức tín dụng.
Để vay được tiền, doanh nghiệp phải ký cam kết: “Hàng tồn kho chưa được thế chấp cho bất cứ đơn vị nào”.
Từ năm 2008 đến cuối năm 2012, ông Lâm Ngọc Khuân đã chỉ đạo lập khống, nâng số liệu hàng tồn kho tôm đông lạnh để thế chấp rút tiền 5 ngân hàng.
Khi làm thủ tục vay, Công ty Phương Nam đều phải cam kết ‘chỉ để mua tôm nguyên liệu, trả lương công nhân, mua thiết bị, nâng cấp sửa chữa và thực hiện hợp đồng xuất tôm’. Tuy nhiên, phần lớn các khoản vay từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng ở các ngân hàng đều bị sử dụng sai mục đích.
Điển hình, ở Ngân hàng VDB Sóc Trăng, trong vòng 4 năm có 6 hợp đồng thế chấp số hàng tồn kho tôm đông lạnh của Công ty Phương Nam. Trong đó hợp đồng vay ít nhất là 200 tỷ đồng và nhiều nhất là gần 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, cơ quan CSĐT (C48 – Bộ Công an) đã chỉ ra, hợp đồng thứ nhất số 06/2008, ông Lâm Ngọc Khuân đã làm giấy tờ đề nghị vay vốn VDB Sóc Trăng là 250 tỷ đồng, thế chấp giấy tờ khống tôm tồn kho là hơn 2 triệu kg, có giá gần gần 356 tỷ đồng. Vậy nhưng, thực chất hàng tồn kho chỉ hơn 1,5 triệu kg tôm.
Để được ký hợp đồng này, hàng loạt cán bộ tín dụng là Vũ Văn Quang (Phó phòng); Trần Văn Nhã (Trưởng phòng) trực tiếp xuống thẩm định. Sau đó trình lên cho Nguyễn Văn Xem (Phó GĐ) ký duyệt cho Phương Nam vay vốn từ VDB Việt Nam.
Ngày 4/3/2008, ông Nguyễn Quang Dũng – Tổng GĐ VDB Việt Nam ký công văn đồng ý cho VDB Sóc Trăng cấp hạn mức 200 tỷ đồng cho vay tín dụng xuất khẩu đối với Công ty Phương Nam.
Không lâu sau, hơn 800 tỷ đồng được VDB Sóc Trăng chuyển vào tài khoản Công ty Phương Nam tại Agribank Sóc Trăng.
Đến ngày 25/6/2009, hợp đồng số 06/2008 hết hạn.
Sau đó, ông Khuân lần lượt vay được hàng ngàn tỷ đồng từ các ngân hàng như: LienVietPostbank Hậu Giang; Vietcombank; Agribank; Sacombank… Đại gia này dùng tiền xoay vòng trả nợ, đáo hạn giữa các ngân hàng với nhau.
Vòng xoáy đồng tiền được sử dụng giữa các ngân hàng theo kiểu “cây đậu nấu hạt đậu” suốt 4 năm liên tiếp. Vậy nhưng, ông Khuân không thể xoay chuyển được tình thế, cứu vãn Công ty Phương Nam trước bờ vực thẳm.
Đến đầu năm 2012 nhiều khoản nợ không thể đáo hạn thì hàng loạt khế ước từ các tổ chức tín dụng dồn dập gửi về Công ty Phương đòi tất toán.
Bế tắc, vợ chồng ông Lâm Ngọc Khuân đã cao chạy xa bay sang Mỹ bỏ trốn. Ở quê nhà khoản nợ 1.700 tỷ đồng (gốc và lãi) mặc cho các tổ chức tín dụng tự xử lý.
Bộ sậu VDB Sóc Trăng khai gì?
Theo C48, GĐ Ngân hàng VDB Sóc Trăng – Nguyễn Thế Thắng khai nhận, trên cương vị giám đốc, vị này đã ký 6 hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức với Công ty Phương Nam.
“Các hợp đồng thẩm định tài sản thế chấp chỉ tiến hành kiểm tra một cách sơ bộ, đại khái. Không tiến hành kiểm tra cụ thể, chỉ dựa vào báo cáo hàng tồn kho từ Công ty Phương Nam làm căn cứ làm tài sản thế chấp nhưng vẫn kỳ hàng loạt biên bản thế chấp” – ông Thắng khai
Ông Thắng còn thừa nhận, do không kiểm tra nên không biết việc cán bộ phòng tín dụng không thu thập, đối chiếu sổ phụ ngân hàng. Do đó, đã không quản lý được việc sử dụng vốn vay của Công ty Phương Nam.
Đại gia Lâm Ngọc Khuân xây dựng cơ nghiệp nơi quê nhà rồi buộc bỏ trốn sang Mỹ thoát thân - Ảnh: Quốc Huy
Riêng Nguyễn Văn Xem – Phó GĐ VDB Sóc Trăng khai rằng, là người trực tiếp phụ trách công tác chỉ đạo công tác tín dụng xuất khẩu, các hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay đều biết. Tuy nhiên, Xem đã không kiểm tra, định giá lại các tài sản đảm bảo lúc ký hợp đồng.
Phó GĐ Xem trực tiếp ký giải ngân 34 lần, với 135 tỷ đồng và cùng thừa nhận hành vi như ông Thắng.
Bị can Trần Văn Nhã – Trưởng phòng tín dụng khai nhận, Nhã là cán bộ được giao nhiệm vụ thẩm định tài sản thế chấp, quản lý giám sát khoản vay, thực hiện kiểm tra định kỳ tài sản thế chấp, các nghiệp vụ giải ngân, thu nợ… nhưng không kiểm tra, định giá tài sản cụ thể của Công ty Phương Nam.
Ngoài ra, VDB Sóc Trăng còn có thêm bị can khác bị đề nghị truy tố là 1 phó phòng và 1 cán bộ tín dụng.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]