Ảnh minh họa. (Ảnh: K.K/Vietnam+)
Với biên độ tỷ giá +/- 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.458 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.034 đồng/USD.
Sau một thời gian dài đứng im, tỷ giá trong vài tuần vừa qua đã biến động mạnh theo xu hướng tăng. Vài ngày gần đây, tỷ giá có diễn biến mới là biến động tăng giảm đan xen.
Giá bán USD bắt đầu tăng từ ngày 3/6, từ mức 21.180 lên 21.200 đồng/USD, tăng 20 đồng cả chiều mua vào bán ra. Đến ngày 4 và 5/6, tỷ giá USD tiếp tục đứng ở mức kịch trần mà Ngân hàng Nhà nước cho phép là 21.246 đồng/USD.
Sau đó tỷ giá USD có giảm nhẹ nhưng vẫn luôn đứng ở mức kịch trần. Ngay trong ngày 18/6, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại lớn đều niêm yết gần sát mức trần cho phép, hiện giá cao nhất được niêm yết ở mức 21.246 đồng/USD.
Cụ thể, VietinBank đã tăng 6 đồng/USD ở chiều bán ra so với chốt phiên trước, hiện niêm yết ở mức 21.220-21.246 đồng/USD (mua vào-bán ra). Vietcombank và BIDV vẫn giữ nguyên so với ngày hôm qua là 21.200-21.240 (mua vào-bán ra), giảm 5 đồng/USD. Eximbank cũng giữ nguyên chiều bán ra so với chốt phiên trước là 21.246 đồng/USD, còn chiều mua tăng thêm 10 đồng/USD là 21.220 đồng/USD.
Khi hỏi về nguyên nhân thực khiến tỷ giá biến động thời gian qua lãnh đạo các ngân hàng hầu hết đều “né tránh” trả lời hoặc bình luận về việc tỷ giá của ngân hàng mình đang được đẩy lên kịch trần biên độ cho phép.
Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng thương mại luôn niêm yết giá USD ở mức cao là kỳ vọng vào việc tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Và câu chuyện thực ở đây có khía cạnh là các ngân hàng và thị trường đang gây sức ép lên Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh tỷ giá.
Còn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp trong 5 tháng đầu năm và tỷ giá đã duy trì ổn định trong gần một năm qua, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, để góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra, Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá, sau khi điều chỉnh tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]