Việt Nam - Malaysia: AEC là cú huých thúc đẩy hợp tác đầu tư
AEC ra đời sẽ là bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình một cộng đồng kinh tế- an ninh- xã hội. AEC cũng sẽ “hòa trộn” nền kinh tế của 10 nước thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của khu vực, sẽ có những tác động tích cực đến quan hệ hợp tác kinh tế- thương mại Việt Nam- Malaysia.
Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại song phương Việt Nam- Malaysia đã tăng trưởng khá mạnh, năm 2013 đạt 9 tỷ USD, tăng 15,25% so với năm 2012; dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD trong năm 2014.
Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang Chi Lê
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, sau một thời gian dài nhập siêu, Việt Nam đã lần đầu tiên xuất siêu sang Chi Lê với con số 250 triệu USD.
Cụ thể, 7 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê đạt trên 250 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2013 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Chi Lê đạt 203 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013.
Hiệp định FTA Việt Nam – Chi Lê có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 đã tạo ra bước đột phá cho hàng hoá của Việt Nam thâm nhập không chỉ thị trường Chi Lê mà còn lan toả ra cả khu vực Mỹ Latinh cũng như hàng hoá Chi Lê thâm nhập thị trường Việt Nam và ASEAN.
Theo Hiệp định, Chi Lê cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế (chiếm 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi Lê năm 2007) trong thời gian không quá 10 năm. Trong đó, 83,54% số dòng thuế (chiếm 81,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Danh mục này đã bao gồm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Chi Lê như: thủy sản, cà phê, chè đen, dầu thô, rau quả tươi và chế biến, thịt gia súc, gia cầm đông lạnh và chế biến, một số mã hàng dệt may, giầy dép.
Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế (chiếm 91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chi Lê năm 2007) trong vòng 15 năm. 12,2% số dòng thuế còn lại sẽ không xoá bỏ thuế.
12 địa phương phải rà soát các dự án xi măng trên địa bàn
Bộ Xây dựng vừa có Công văn 2278/BXD-VLXD gửi UBND các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa,Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Bình Phước về việc rà soát các dự án xi măng trên địa bàn nằm trong Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nêu trên phải chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án xi măng thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát các dự án xi măng.
Trước đó, Ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1592/TTg-KTN về việc rà soát các dự án đầu tư xâ dựng nhà máy xi măng trong Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
Canada gia hạn thời gian điều tra vụ thép Việt Nam bị kiện
Ngày 25-9, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan điều tra Canada (CBSA) vừa thông báo gia hạn thời hạn ban hành kết luận sơ bộ vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống thép dẫn dầu nhập khẩu từ Việt Nam.
CBSA đã quyết định gia hạn thời hạn ban hành kết luận sơ bộ thêm 45 ngày (từ 90 ngày thành 135 ngày) do vụ việc có nhiều tình tiết mới và phức tạp. Theo đó, quyết định ban hành kết luận sơ bộ hoặc chấm dứt toàn bộ vụ việc sẽ được CBSA đưa ra chậm nhất vào ngày 3-12.
Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng 11,6%
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2014, ước tính kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố Hà Nội đạt 8,182 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2013, trong đó xuất khẩu của địa phương tăng 8,8%.
Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ là: Hàng điện tử (tăng 53,9%), giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 45,5%), than đá (tăng 41,5%), thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh (tăng 22,1%), hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 18,8%), hàng nông sản (tăng 11,5%)…
Tính riêng tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn Thành phố đạt 939 triệu USD, tăng 0,4% và xuất khẩu của địa phương tăng 0,5% so với tháng 8. Trong đó, khu vực FDI đóng góp 453 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu (tương đương 48,2%), còn lại là khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.
Cũng trong tháng 9, các DN đóng trên địa bàn Hà Nội đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 2,192 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng 8. So sánh giữa kim ngạch xuất khẩu với nhập khẩu, các DN trên địa bàn Hà Nội đã nhập siêu hơn 10 tỷ USD.
ĐBSCL xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo trong 9 tháng
Các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa xuất khẩu hơn 120.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên hơn 4 triệu tấn, đạt 64,2% kế hoạch năm, trị giá 1,84 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2013.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ nay đến cuối năm, các tỉnh ĐBSCL sẽ phấn đấu xuất thêm 2,3 triệu tấn, nâng tổng lượng gạo xuất cả năm đạt 6,3 triệu tấn.
Năm 2014, mặc dù xuất khẩu gạo không thuận lợi nhưng ngành thương mại trong vùng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại tại châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ.
Các doanh nghiệp đã đầu tư thêm 600 tỷ đồng lắp mới các dây chuyền hiện đại nâng cao chất lượng xay xát, đánh bóng, bao đóng gói gạo với nhiều trọng lượng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu thụ tại thị trường nước ngoài đồng thời tăng hàng trăm ngàn tấn gạo thơm xuất sang châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia.
9 tháng, GDP tăng trưởng 5,54%
Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hội nghị giao ban sản xuất - kinh doanh 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP sau 3 quý ước đạt 5,54% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,12%; còn khu vực dịch vụ tăng khoảng 6,02%.
Tốc độ tăng trưởng này đã cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của 9 tháng đầu năm 2013. Năm ngoái, con số này là 5,14%.
Phân tích cụ thể các con số, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2014 giảm 0,4% so với tháng 8, tuy nhiên vẫn tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Ước 9 tháng đầu năm, IIP toàn ngành tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 109,6 tỷ USD, còn nhập khẩu ước đạt 107,2 tỷ USD.
Với kết quả này, 9 tháng, cả nước ước xuất siêu khoảng 2,47 tỷ USD, bằng 2,25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 6,9 tỷ USD, nếu kể cả dầu thô là 12,7 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực trong nước ước nhập siêu 10,23%.
Vùng Đông Bắc mở hội chợ giới thiệu nông nghiệp, thương mại
Tối ngày 25/9, Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc năm 2014 với chủ đề “Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ thương mại Lạng Sơn, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc có quy mô trên 250 gian hàng, trong đó có 29 gian hàng của 29 DN Trung Quốc tham gia.
Hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hoa cây cảnh và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Đây là dịp bà con nông dân, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc có dịp trao đổi kinh nghiệm sản xuất cũng như tìm hiểu thêm cơ hội giao thương. Trong khuôn khổ Hội chợ, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tư vấn cho nông dân và doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến trồng trọt, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả. Thông qua đó, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản.
Hội chợ kéo dài hết ngày 29/9.
Khai mạc Đại hội đại biểu MTTQ VN lần thứ VIII
Sáng nay (26/9), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đã chính thức khai mạc.
Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam lần thứ VII (2009-2014); rút ra những bài học kinh nghiệm, nhận định, đánh giá cụ thể, toàn diện về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các tổ chức quốc tế và 1.008 đại biểu chính thức tham dự Đại hội.
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản số 11540/TCHQ0GSQL về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực phẩm nhập khẩu từ Đài Loan. Theo Tổng cục Hải quan, gần đây nhiều kênh thông tin cho thấy, tại Đài Loan có dầu ăn bị nhiễm bẩn và thực phẩm được chế biến từ dầu ăn bị nhiễm bẩn được xuất khẩu đi các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]