Lúc đó, UBGS đánh giá, thị trường tài chính đã phát triển nhanh và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, nhưng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập gây hệ lụy không nhỏ cho sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô. Theo UBGS, một trong những bất cập của thị trường và hàm chứa nhiều rủi ro chính là mặt trái của đầu tư chéo. Đây cũng được coi là vấn đề gai góc nhất, phức tạp nhất của thị trường tài chính Việt Nam.
Trong báo cáo có đề cập tới khái niệm: đầu tư chéo là loại hình giao dịch bản thân được coi là hoạt động ngân hàng, nhưng chưa đưa vào loại hình quản lý và lâu nay đã bị lạm dụng. Những năm trước, khi cầu tín dụng rất lớn, nguồn vốn đầu tư chéo chuyển qua các công ty chứng khoán, bảo hiểm và quản lý quỹ để chạy lòng vòng đến DN, thông qua magin, ủy thác đầu tư.
Nhưng, “hai năm qua, nhờ sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN, Bộ Tài chính, UBCKNN, đầu tư chéo giảm khá mạnh”, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UBGS cho biết.
Phó chủ tịch UBGS Trương Văn Phước cho biết, lần đầu tiên, báo cáo tổng quan thị trường tài chính được xây dựng hoàn chỉnh, với các thị trường cấu phần được xâu chuỗi với nhau trên nền tảng kinh tế vĩ mô. “Nếu chúng ta chỉ nhìn thị trường tài chính với các cấu phần thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thì cũng chỉ như nhìn những ngọn cỏ trên cánh đồng”, ông Phước ví von.
Như thế thì không hợp lý, mà nhiều khi còn mất đi độ chính xác cần thiết. Cần quan sát nó với tổng thể mặt đất hay là nền kinh tế vĩ mô.
Dựa trên 5 tiêu chí đánh giá thị trường là tổng tài sản, tính thanh khoản, chất lượng tài sản, hiệu quả sinh lời, hệ số an toàn về vốn, Báo cáo của UBGS cho thấy, các khuyết tật đang từng bước được khắc phục và thị trường tài chính Việt Nam dần đi vào ổn định nề nếp.
Đối với thị trường ngân hàng, đã có những chuyển dịch tích cực như: tổng tài sản ngân hàng năm 2013 tăng 13,2%, chất lượng tài sản được cải thiện, tỷ trọng tài sản thị trường liên ngân hàng giảm từ 23% năm 2011 xuống 17% năm 2013; cho vay giảm từ 98% xuống còn 85,4% là tỷ lệ quan trọng đảm bảo sự vững chắc cho hệ thống ngân hàng; lãi suất giảm mạnh bình quân năm 2013 là 12%.
Đáng chú ý là cơ cấu tín dụng của hệ thống ngân hàng có cân đối hơn. Nếu như những năm trước tín dụng ngoại tệ chiếm 23-24% thì nay chỉ còn 15%, giảm 4% về cơ cấu dư nợ với năm 2012. Tín dụng ngoại tệ giảm mạnh hệ quả của quá trình chống đô la hóa có hiệu quả. Đường cong lãi suất tiền gửi đã có xu hướng vận hành theo quy luật kinh tế hơn.
Dù trong dư luận vẫn có những nghi ngại về các con số không khớp nhau như nợ xấu của các tổ chức công bố, do việc áp dụng chuẩn mực quốc tế hay dựa trên quy định của NHNN, song theo cách tính riêng của UBCKNN thì việc NHNN tính con số nợ xấu 9% là có cơ sở, khi chúng ta áp dụng theo thông lệ quốc tế về nợ xấu. Quan trọng hơn, ông Vũ Viết Ngoạn chỉ ra, nợ xấu theo thông lệ quốc tế đã được kiểm soát và giảm xuống, dao động quanh mức 9-10%.
Thị trường chứng khoán, đã có tín hiệu tích cực hơn với xu hướng phục hồi thị trường dựa trên nền tảng các yếu tố vĩ mô tương đối ổn định, VN-Index tăng 22%, HN-Index tăng 19%. Thị trường trái phiếu Chính phủ cũng sôi động với giá trị giao dịch đột biến. Chất lượng tài sản của công ty chứng khoán tốt hơn.
Tổng tài sản tuy giảm nhưng cũng là hướng giảm tích cực sau khi các công ty chứng khoán cắt giảm margin và đầu tư ủy thác, tài sản dài hạn có tính thanh khoản thấp đã được giảm bớt. Năm 2013, nhiều công ty chứng khoán đã báo lãi.
Riêng thị trường bảo hiểm vẫn trầm lắng, nhưng doanh thu phí bảo hiểm có tăng lên, tình hình tài chính các công ty vẫn bảo đảm an toàn.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]