Từ năm 2008, NHNN đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường...
Theo thông tin tại hội thảo “Fintech – Xu hướng phát triển và khuyến nghị đối với NHNN” do NHNN tổ chức mới đây, hiện có trên 40 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam cùng với các dịch vụ tài chính đa dạng như thanh toán, chuyển tiền, huy động vốn, quản lý tài chính… Và việc bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và xây dựng cơ chế quản lý phù hợp các công ty Fintech ở Việt Nam là rất cần thiết để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực thì sự phát triển sâu rộng của các công ty công nghệ tài chính Fintech trên thế giới và Việt Nam là một biểu hiện sinh động của trào lưu trên, tạo ra khả năng tăng cường tiếp cận dịch vụ ngân hàng – tài chính, gia tăng giá trị cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp như ngân hàng, mà các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp Fintech cung ứng đã và đang thu hút được một số lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Trên thực tế, trong những năm qua, NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường của họ.
Cụ thể, từ năm 2008, NHNN đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Đến nay, sau khi thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng, NHNN đã cấp phép hoạt động chính thức cho 20 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bên cạnh những loại hình Fintech trong lĩnh vực thanh toán, Việt Nam còn có những doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: gọi vốn, dịch vụ cho vay trực tuyến, chuyển tiền, quản lý dữ liệu tài chính cá nhân…
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, lĩnh vực Fintech là lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam xét theo quy mô dân số và lợi thế so sánh về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khung khổ pháp lý quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác.
Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có những cách tiếp cận khác nhau trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp Fintech, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của NHNN.
Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu đề xuất Thống đốc nhằm xây dựng hệ sinh thế, cơ chế quản lý phù hợp, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech của Việt Nam ra đời và phát triển, đồng thời xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển Fintech tại Việt Nam phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]