Không giống như quý 2, khi các ngân hàng đồng loạt chờ đến “phút chót” mới bung báo cáo kết quả kinh doanh, thì quý 3 vừa qua được 5 tuần, các ngân hàng đã bắt đầu rầm rộ thông tin về hoạt động giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2014.
Cho đến đầu giờ sáng nay 5/11, đã có những cái tên như Sacombank, ABBank, DongABank, PVcomBank, SaiGonBank, NCB công khai hoạt động quý 3 và 9 tháng. Điểm chung của các ngân hàng này là nợ xấu đã giảm rõ rệt, trích lập dự phòng gia tăng, tiền gửi của khách hàng tăng mạnh. Nhưng bên cạnh đó, dù lãi suất cho vay đã về ngang mức của những năm 2005 - 2006 và các ngân hàng đều nỗ lực song vẫn không dễ gì tìm được lối thoát cho dòng vốn.
Nợ xấu giảm mạnh, dự phòng tăng đột biến
Nợ xấu của các ngân hàng đều giảm khá mạnh trong 3 tháng qua bởi nỗ lực xử lý nợ của các ngân hàng, bên cạnh hoạt động bán nợ cho VAMC. Báo cáo cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank cuối quý 3 chỉ còn chưa đến 1% trong khi đầu năm là 1,46%; của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) giảm còn dưới 5% thay vì hơn 6% đầu năm; nợ xấu của ACB giữ ở mức 3% dù tín dụng tăng khá mạnh.
Ngược lại với nợ xấu, dự phòng rủi ro của các ngân hàng đều ghi nhận những con số tăng đến bất ngờ. Tại Ngân hàng An Bình (ABBank), dự phòng cho quý 3 năm nay gấp 18 lần cùng kỳ năm trước và 9 tháng cũng gấp 12 lần. Ở Ngân hàng Đông Á, dự phòng rủi ro gần gấp đôi so với lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động kinh doanh. Ngân hàng NCB cũng tăng gấp rưỡi dự phòng so với cùng kỳ năm 2013 trong khi Ngân hàng Sài Gòn Công thương (SaiGonBank) phải tăng gấp 4 lần dự phòng so với năm trước.
Dự phòng rủi ro tăng, theo lý giải của các ngân hàng, một phần phải trích lập theo quy định mới của Thông tư 02 và Thông tư 09, một phần khác là bởi bán nợ cho VAMC và trích lập dự phòng theo quy định. “Dự phòng cao càng làm cho ngân hàng vững chãi hơn vì chúng tôi có thêm tiềm lực để giải quyết nợ xấu. Sau khi giải quyết nợ, nguồn dự phòng này sẽ được hoàn nhập và hạch toán vào lợi nhuận các kỳ tiếp theo”, Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng chia sẻ.
Tiền vào ngân hàng ồ ạt, đầu ra vẫn tắc
Theo báo cáo, huy động vốn của các ngân hàng đều tăng rất mạnh, điển hình như NCB tăng xấp xỉ 32%; DongABank tăng 14%; Sacombank tăng 18,5%; PVcombank tăng 24%...Trong khi lãi suất liên tục giảm và đến cuối tháng 9 chỉ còn cao nhất là 8% cho các kỳ hạn dài, 6% cho kỳ hạn ngắn từ 1 đến dưới 6 tháng, song nguồn tiền chảy vào ngân hàng vẫn mạnh, cho thấy kênh gửi tiền vẫn được người dân tin tưởng.
Tuy nhiên, khi huy động được lượng vốn lớn thì mối bận tâm của các ngân hàng là làm sao đẩy được dòng tiền ra thị trường để "ăn chênh lệch". Một số ngân hàng đã làm tốt điều đó trong 9 tháng qua như Sacombank tăng trưởng tín dụng 12,6%; NCB tăng 25,2%; ACB tăng 7,12%. Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng trưởng được 7,26% và tự tin hướng đến mục tiêu 12% cả năm.
Song bên cạnh đó vẫn có những ngân hàng bị ám ảnh bởi nỗi lo tín dụng tăng trưởng âm. Điển hình là PVcomBank qua 9 tháng vẫn tăng trưởng tín dụng âm 6,84%, tiếp đến là ABBank với mức âm 1,4%; DongABank tăng trưởng âm 0,54%.
Tín dụng không tăng được rõ ràng là mối lo của không chỉ các ngân hàng mà toàn nền kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, không vì thế mà nhà băng bất chấp để cho vay. Bởi lẽ trong bối cảnh nợ xấu cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn yếu, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ở mức thấp như hiện nay, họ có thể tìm hướng đầu tư khác an toàn hơn để giải quyết ách tắc vốn, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]