Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, với các kỳ hạn dài từ 24 - 60 tháng chỉ còn 6,2%/năm, thay vì mức cao nhất là 6,3% như trước đó.
Ngân hàng Techcombank cũng đưa mức lãi suất huy động cao nhất là 7,1%/năm xuống còn 6,96%/năm. Lãi suất cao nhất của Sacombank chỉ còn 7,7%/năm áp dụng cho duy nhất kỳ hạn 13 tháng, các kỳ hạn dài khác dao động từ 6,2 - 6,4%/năm.
Trước đó, hồi cuối tháng 11 các ngân hàng cũng có đợt giảm lãi suất huy động nhưng ở kỳ hạn ngắn, mức giảm từ 0,1 - 0,3%/năm. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thấp nhất là ở Vietcombank và Agribank với 4%/năm, tiếp đến là BIDV với 4,55%/năm.
Sau nhiều lần điều chỉnh không đồng nhất thì lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay có sự chênh lệch lớn.
Chẳng hạn cùng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước nhưng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở BIDV là 6,8%/năm nhưng Vietcombank chỉ có 6%/năm; kỳ hạn 1 tháng của BIDV là 4,55%/năm thì của Agribank và Vietcombank là 4%.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của Techcombank là 4,6%/năm, của Sacombank, VIB và Eximbank là 4,7%/năm nhưng của NamABank là 5,1%/năm, của Oceanbank và OCB lại là 5,3%/năm…
Lãi suất huy động không chỉ giảm trên bảng niêm yết mà tình trạng thỏa thuận "ngầm" lãi suất hầu như cũng không còn. Trước đây, nếu khách hàng có khoảng 300 triệu đồng trở lên mang đi gửi là có thể thỏa thuận được lãi suất cộng thêm khoảng 0,2 - 0,4%/năm ở nhiều ngân hàng, nhưng hiện tại chỉ những khoản trên 1 tỷ đồng "may ra" mới hy vọng có thêm lãi suất.
Theo Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng, trước đây các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn vì tín dụng suôn sẻ, nhưng bây giờ tìm được người vay vốn rất khó lại bị cạnh tranh mạnh nên các ngân hàng đều "nhìn nhau" để huy động.
Còn theo một số chuyên viên tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt hoạt động quản lý, nếu ngân hàng có thỏa thuận với khách hàng về lãi suất cộng thêm sẽ bị phạt rất nặng nên các ngân hàng hầu hết thay thế bằng các thức chăm sóc khách hàng, đặc biệt khách hàng VIP như tặng quà, tặng phiếu mua sắm...
Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm liên tục trong năm nay nhưng nguồn vốn vẫn đổ mạnh vào kênh gửi tiết kiệm. Theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 11/2014, huy động vốn toàn hệ thống tăng 13,33% so với cuối năm 2013 trong khi tín dụng mới tăng trưởng 10,22%.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]