Một bức tranh không mấy sáng lạn về một số ngân hàng đang có cổ đông chiến lược nước ngoài, đó là sự chững lại và tụt dốc trong lợi nhuận, chiến lược kinh doanh. Thậm chí, có những ngân hàng buộc phải bán mình cho ngân hàng lớn để tiếp tục tồn tại.
Cổ đông chiến lược "hết phép"?
Eximbank là một điển hình. Có cổ đông chiến lược là ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật, với tỷ lệ sở hữu là 15,07% cổ phần, nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Eximbank cho thấy sự bất ổn thể hiện qua những con số.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Eximbank giảm tới hơn 37.000 tỷ đồng (giảm 22,2% so với cuối 2013) và chỉ còn 132.064 tỷ đồng; tín dụng giảm 3,7%, tiền gửi của khách hàng giảm 3%, lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm hơn 12% so với cùng kỳ và chỉ đạt 664 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu đã tăng mạnh từ 1,98% cuối 2013 lên 2,94%.
Tính đến năm 2014, SMBC đã hợp tác với Eximbank được 6 năm. Sự xuất hiện của SMBC đã giúp Eximbank tăng vốn điều lệ từ 2.800 tỷ đồng và tổng tài sản 33.000 tỷ đồng vào năm 2007, lên 12.355 tỷ đồng vốn điều lệ và tổng tài sản hơn 170.000 tỷ đồng (đến cuối năm 2012).
Với sự hỗ trợ của SMBC, trong 6 năm qua, Eximbank đã liên tục phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới cho thị trường, vươn lên vị thế thứ 2 trong các NHTMCP hàng đầu tại Việt Nam (sau MB).
Hay như tại Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB) cũng vậy. Sự xuất hiện của cổ đông chiến lược Fullerton Financials Holding Pte. Ltd (FFH) từ năm 2010 đã giúp lợi nhuận của MDB tăng hơn 50% nhưng vẫn không thấm vào đâu so với tốc độ tăng vốn. Tốc độ tăng vốn điều lệ của MDB từ mức 24,7 tỷ đồng vào năm 2005 lên đến 3.750 tỷ đồng hiện nay, tức là tăng đến 151 lần sau 10 năm, cũng có sự đóng góp không nhỏ của FFH. Tăng trưởng là thế, nhưng giờ đây, số phận của MDB là sự biến mất của thương hiệu sau khi sáp nhập với MaritimeBank.
Hay như tại Techcombank với sự xuất hiện cổ đông chiến lược ngoại là HSBC, bắt đầu nắm cổ phần từ cuối năm 2005 với tỷ lệ sở hữu 20% vốn ngân hàng. Trong nhiều năm qua, đặc biệt là kể từ khi có sự tham gia của HSBC, Techcombank đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Tuy nhiên, kết quả này không duy trì được và bắt đầu giảm sút mạnh từ năm 2012. Đến ĐHĐCĐ thường niên 2014 vừa qua, HSBC đã tuyên bố rút người khỏi HĐQT và không cử thêm nhân sự tham gia do thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật giữa Techcombank và HSBC ký lần đầu vào năm 2005 sẽ kết thúc vào tháng 6/2014.
Mặc dù đã có sự phục hồi nhẹ trong kết quả hoạt động kinh doanh của Techcombank, nhưng so với những năm trước, Techcombank vẫn đang còn nhiều việc phải làm.
Câu hỏi đặt ra là, trong những trường hợp này, vai trò của những cổ đông chiến lược nước ngoài ở đâu? Sự sụt giảm này có phải là họ không còn mặn mà hợp tác với các ngân hàng này hay là đã "hết phép" để có thể giải nguy trong những tình huống này?
Giới hạn của cổ phần
Theo giới chuyên gia, sở dĩ vẫn có những kết quả buồn tại các ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài là bởi sự giới hạn của tỷ lệ sở hữu. Dù được sở hữu đến 20%, nhưng tỷ lệ này cũng không thấm tháp gì so với 80% còn lại của các cổ đông trong nước. Sự bắt tay và chi phối của cổ đông trong nước đã giới hạn năng lực của các cổ đông nước ngoài.
Mặc dù, theo Nghị định 01 mới đây của Chính phủ, tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài được nâng lên 30%, thậm chí, đối với một vài trường hợp, có thể nâng lên 49%, nhưng giới chuyên gia vẫn cho rằng vẫn chưa đủ để họ có thể triển khai những kinh nghiệm, năng lực của mình. Đấy chính là lý do vì sao mà họ không đủ khả năng để hạn chế những tiêu cực vẫn đang diễn ra tại những ngân hàng này.
"Với ngân hàng đang hoạt động tốt, trung bình thì tỷ lệ 30% không đủ để họ có thể thực hiện đầy đủ năng lực nhằm thay đổi ngân hàng. Nói đúng hơn, với tỷ lệ này, đối tác nước ngoài bỏ tiền ra với mục đích đầu tư tài chính chứ không phải để đầu tư dài hạn, đầu tư hoạt động kinh doanh ngân hàng", vị chuyên gia ngân hàng bình luận.
"HSBC là một ví dụ. Mặc dù đầu tư vào Techcombank, HSBC cũng bỏ nhiều công sức nhưng không thấm tháp gì so với những gì mà họ nhận lại được. Bằng chứng là sự lớn mạnh của HSBC Việt Nam trong những năm qua. Mỗi năm, HSBC Việt Nam lại cho thấy sự trưởng thành và phát triển của mình, mặc cho các ngân hàng nội đang loay hoay với khó khăn. Mà điển hình là sự tụt dốc của Techcombank trong mấy năm qua", vị này phân tích.
Hay như ANZ với Sacombank cũng vậy. Đầu tư vào Sacombank với thời gian khá dài, nhưng mục đích của ANZ cũng giống như HSBC, đó là học hỏi kinh nghiệm khi được phép mở ngân hàng con tại Việt Nam. Sau khi được cấp phép lập ngân hàng con 100% vốn ngoại tại Việt Nam, ANZ đã từng bước thoái vốn tại Sacombank.
Với những gì đã và đang diễn ra cho thấy, mặc dù rất nhiều cổ đông nước ngoài đang nỗ lực trong các ngân hàng nội, nhưng cũng chỉ là đầu tư tài chính là chính và kỳ vọng được nới lên tỷ lệ cao hơn trong thời gian tới. Và một khi kỳ vọng đó không được như mong muốn, họ sẽ tìm đường thoái vốn.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]