Theo Nghị quyết Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 10/2014, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đã có những chuyển biến tích cực; kinh tế tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục xuất siêu; sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ.
Đánh giá về tình hình nợ công trong thời gian qua, Chính phủ cho rằng, nợ công tăng khá nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% năm 2014.
VN lọt vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu vay nợ trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ với thời hạn vay ngắn và áp lực trả nợ tăng nhanh hơn.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, trong thời gian qua, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn phải giảm thuế để hỗ trợ DN trong khi nhu cầu chi tăng mạnh để thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội …nên dẫn đến nợ công tăng nhanh.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, các chỉ tiêu nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hạ tầng; trên 98% vốn vay được sử dụng cho các dự án phát triển hạ tầng; 1,5% chi đầu tư và 0,4% chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết.
Nhiều dự án, công trình quan trọng sử dụng vốn vay đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh …
Chính phủ chỉ đạo, trong thời gian tới, các bộ ngành địa phương cần tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt là các khoản vay mới (bao gồm các khoản vay của Chính phủ, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương).
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả và theo đúng quy định. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn với lãi suất thấp và kiểm soát khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với chiến lược quản lý công nợ dài hạn; giảm dần các chỉ tiêu nợ công trong giai đoạn 2016-2020 và đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Chính phủ giao Bộ tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước VN xây dựng , trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng công nợ trong thời gian tới
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]