Bắt đầu từ Hồng Kông, cơn sốt tăng điểm đang lan sang toàn bộ thị trường chứng khoán đại lục trị giá 6.300 tỷ USD. Chỉ số Shanghai Composite vừa có 2 ngày tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 3 trong khi chỉ số Shenzhen Composite Index cũng chạm mốc cao nhất 3 tháng. Phiên hôm qua (15/8) khối lượng giao dịch tăng vọt với 90 mã tăng điểm trên mỗi mã giảm điểm.
Trong tháng 8 vừa qua, các cổ phiếu Trung Quốc – dù được niêm yết ở quê nhà, Hồng Kông hay Mỹ - là nhóm tăng điểm mạnh nhất trên TTCK thế giới. Nỗi lo hạ cánh cứng lắng xuống và đồng nhân dân tệ ổn định là hai yếu tố chính giúp các cổ phiếu này thăng hoa.
Dù các chỉ số kỹ thuật phát đi cảnh báo rằng có thể chứng khoán Trung Quốc đang tăng trưởng quá nóng, ngân hàng HSBC vẫn tin vào thị trường này. “Thái độ của nhà đầu tư trên toàn thế giới về Trung Quốc đang dần cải thiện. Chúng ta vẫn đánh giá thấp Trung Quốc so với tiềm lực thực sự và do đó còn nhiều điều thú vị ở phía trước”, Herald van der Linde – chuyên gia đến từ HSBC nói.
Phiên hôm qua chỉ số Shanghai Composite Index tăng 2,4%, sau khi tăng 1,6% trong phiên cuối tuần trước và đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay chỉ số này đóng cửa trên mức trung bình 200 ngày. Các cổ phiếu được hỗ trợ bởi đồn đoán hoạt động sáp nhập trong ngành bất động sản sẽ gia tăng và NHTW Trung Quốc sẽ bổ sung thêm biện pháp kích thích.
Diễn biến chỉ số Shanghai Composite.
Ngoài ra các cổ phiếu ở Thâm Quyến và Hồng Kông cũng nhận được tín hiệu tích cực về mối liên kết giữa hai sàn sẽ được khởi động trong năm nay.
Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index gồm các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông tăng 1,6%, lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tổng cộng chỉ số này đã tăng 8,4% trong tháng 8, tốt nhất trong số 94 chỉ số được Bloomberg theo dõi trên toàn cầu.
Sức nóng của chứng khoán Trung Quốc còn được thể hiện qua số cổ phiếu mới được niêm yết trong thời gian vừa qua. Theo số liệu từ cơ quan quản lý, hiện ở Trung Quốc có 8.622 công ty trên sàn upcom, tăng trưởng 68% so với thời điểm cuối năm ngoái. Đây cũng là con số khổng lồ so với 2.914 mã niêm yết chính thức trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
Cơn sốt này giúp giải quyết cơn khát vốn của các doanh nghiệp nhỏ và cũng cho phép các nhà quản lý phát triển một hệ thống mà trong đó các công ty linh hoạt hơn trong việc đưa ra thời điểm và quy mô IPO – điều khó thực hiện được ở những sàn giao dịch chính thức.
Thái độ của nhà đầu tư nước ngoài về cổ phiếu Trung Quốc đã “quay ngoắt” so với hồi đầu năm. Còn nhớ hồi tháng 2, chỉ số H-share ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 và giá trị vốn hóa rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Nỗi lo về sức khỏe nền kinh tế và những biện pháp can thiệp của Chính phủ đã khiến dòng vốn tháo chạy.
Một loạt số liệu được công bố tuần trước vẽ nên một bức tranh có nhiều mảng sáng tối đan xen về triển vọng của kinh tế Trung Quốc. Dù tình trạng giảm phát của chỉ số giá sản xuất đã lắng xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất, các chỉ số như sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư đều gây thất vọng.
Steven Leung, chuyên gia đến từ UOB Kay Hian, đà tăng của chứng khoán Trung Quốc sẽ bị hạn chế. Leung nhận định sau khi tăng 5 - 8% nữa và tiến gần mốc 3.300 điểm, chỉ số Shanghai sẽ đứng trước áp lực bị bán ra bởi những yếu tố cơ bản như sức khỏe nền kinh tế hay lợi nhuận của doanh nghiệp không hề cải thiện.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]