Từ ngày 12/12, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt đến 15 triệu đồng. Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP.
Ngoài ra, mức tiền phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng cũng được áp dụng đối với các hành vi như: để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy giao dịch tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào…
Quy định là như vậy song không ít khách hàng và cả ngân hàng băn khoăn bởi còn khá nhiều vướng mắc khi triển khai vào thực tế. Anh Nguyễn Mạnh Hưng cán bộ một NHTMCP ở Hà Nội cho biết, Nghị định chỉ ghi là phạt khi ATM hết tiền song xác định thế nào là hết tiền là việc… rất khó.
Mặt khác khi ATM vừa hết tiền thì ngân hàng cũng cần phải tuân thủ đúng quy trình nạp tiền cho máy và quy trình này cần ít nhất là 3 cán bộ ngân hàng đó là một cán bộ kế toán, một thủ quỹ và một cán bộ tiếp quỹ… đấy là chưa kể lái xe, bảo vệ rồi ký duyệt nạp tiền cho máy, niêm phong khay tiền của lãnh đạo ngân hàng…
Có nghĩa việc tiếp quỹ cũng cần phải có thời gian chứ đâu phải là ngân hàng cầm tiền ra rồi bỏ thẳng vào máy được đâu? Nếu làm sai quy trình tiếp tiền của ngân hàng thì cán bộ cũng sẽ… bị phạt! Đó là chưa kể những rủi ro ngoài ý muốn trên đường đi tiếp quỹ như tắc đường, mất điện… “Theo tôi Nghị định nên quy định rõ về thời gian hết tiền trong bao lâu thì bị phạt sẽ hợp lý hơn”, anh Hưng chia sẻ.
Về phía người tiêu dùng chị Lê Hạnh Lê (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: “Nếu theo quy định này, cây ATM hết tiền mà người dân không phát giác, ngân hàng ém nhẹm thì Nhà nước làm sao biết mà phạt?”. Mặt khác, người dùng như chúng tôi cũng chẳng “được lợi” gì khi thông báo máy ATM hết tiền cho cơ quan chức năng mà ngược lại còn rất tốn thời gian để xác minh nguyên nhân cụ thể máy ATM bị lỗi do hết tiền hay lỗi mạng… ATM hết tiền thì chấp nhận đi tìm cây ATM khác hoặc vào thẳng ngân hàng mà rút cho nhanh!
“Phạt tiền chỉ là một phần của câu chuyện. Điều quan trọng ở đây là thương hiệu, uy tín dịch vụ của ngân hàng, để từ đó giữ được khách hàng. Để cây ATM hoạt động hiệu quả phải xuất phát từ ý thức của mỗi ngân hàng. Ngân hàng nào không vì chữ tín mà gây nhiều khó khăn cho khách thì tự khách hàng sẽ rời bỏ mình”, chị Lê thẳng thắn.
Theo một chuyên gia trong ngành Ngân hàng thì khó có thể xác định thời điểm ATM hết tiền hay bị lỗi bởi nhiều khi cây ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác của người rút. Việc xác minh này không chỉ tốn thời gian mà còn tốn cả nguồn nhân lực cho việc thanh, kiểm tra, giám sát… Thực tế cũng đã từng xảy ra tình trạng trụ ATM trở ngại không phải do hết tiền, do hỏng máy mà do mạng phập phù.
Cũng theo vị chuyên gia này thì để các máy ATM không bị hết tiền không khó, nhất là hiện nay, việc thanh khoản ở các ngân hàng rất dồi dào, trang thiết bị công nghệ ngày càng được nâng cấp và chất lượng dịch vụ được nâng cao. Các ngân hàng có 3 vấn đề quan tâm để đảm bảo máy ATM không hết tiền.
Về mặt tổ chức, ngân hàng luôn luôn phải có đội tiếp quỹ, kiểm quỹ, thay quỹ ATM; hệ thống công nghệ thông tin theo dõi thường trực để biết được tài khoản của từng máy còn bao nhiêu tiền và dự đoán khả năng bao lâu thì hết tiền; sự liên kết giữa các ngân hàng với nhau để sẵn sàng cho khách hàng rút tiền khi có nhu cầu. Với những điều kiện này thì ATM sẽ chẳng bao giờ cạn tiền cả.
Theo một cán bộ NHNN thì để Nghị định có thể đi vào cuộc sống cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể. Thực tế thì các máy ATM của ngân hàng hiện vẫn đáp ứng được nhu cầu của người rút tiền. Việc hết tiền, máy trục trặc nhiều chỉ xảy ra vào một số thời điểm như cận tết, hay những ngày cuối tháng tại các khu công nghiệp mà thôi và để giải quyết tình trạng ấy NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng tăng cường tần suất tiếp quỹ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]